Cụ thể, ông Đỗ Trung Thiện đã tự ý quyết định và thực hiện không đúng thẩm quyền nhiều hợp đồng, giao dịch với các Công ty có lợi ích liên quan, bao gồm:
Thời điểm năm 2015, ông Thiện với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã tự quyết định và thực hiện Hợp đồng vay số 12.2/HĐHTV/2015 ngày 12/02/2015 để cho Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Barotex Việt Nam (Mã số doanh nghiệp số: 0100107194, địa chỉ trụ sở chính tại: Số 100, phố Thái Thịnh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Việt Nam) (Sau đây gọi tắt là “Barotex”) vay số tiền là 19.000.000.000 đồng với lãi suất 6%/năm (thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng tại thời điểm đó). Khoản vay nêu trên không được đưa ra thảo luận và thông qua tại Hội đồng quản trị của Công ty, đến cuối năm 2017 mới được tất toán. Như vậy trong 02 năm này, ông Thiện đã thực hiện giao dịch không đảm bảo hiệu quả tài chính của Công ty Hanoi Academy.
Hanoi Academy đang "nổi sóng ngầm" |
Năm 2017, ông Thiện tiếp tục tự ý thông qua Hợp đồng vay để cho Công ty TNHH Đầu tư và Nắm giữ Thái Sơn (Mã số doanh nghiệp: 0103982284, địa chỉ trụ sở chính tại số 11 Lô B, 25 Láng Hạ, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội), “Công ty Thái Sơn”), vay số tiền là 3.000.000.000 đồng, lãi suất 7%/năm. Theo thông tin IDJ có được, ông Lê Văn Hùng đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Hanoi Academy đồng thời là thành viên góp vốn và bố đẻ của ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Công ty Thái Sơn nhưng Hợp đồng này không đưa ra thảo luận và thông qua tại Hội đồng quản trị của Công ty. Điều đáng nói là toàn bộ các giao dịch cho vay vốn, mua cổ phần nêu trên với Barotex và Công ty Thái Sơn không chỉ gây thiệt hại tài chính cho Công ty mà còn là những giao dịch trái quy định của pháp luật do không được thông qua đúng thẩm quyền theo Điều 162.1 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 31 Điều lệ Công ty Hanoi Academy. Bên cạnh đó, mặc dù cổ đông của Công ty cũng đã có ý kiến yêu cầu khắc phục các sai phạm, đề nghị ông Thiện thực hiện giao dịch đảm bảo hiệu quả tài chính cho Công ty nhưng cũng không nhận được kết quả phản hồi, xử lý thích hợp.
Thứ hai, ông Đỗ Trung Thiện đã tự ý quyết định để Công ty Hanoi Academy nhiều lần mua cổ phần của công ty mẹ là Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Barotex Việt Nam (Mã số doanh nghiệp: 010010719, sau đây gọi là “Barotex”), cụ thể:
Năm 2017, ông Thiện đã tự ý quyết định để Công ty Hanoi Academy đầu tư mua qua đấu giá 937.291 cổ phần Barotex với giá 15.200 đồng/cổ phần chiếm tỷ lệ 9,37% Vốn Điều lệ của Barotex.
Cũng trong năm 2017, ông Thiện đã tự ý thông qua Hợp đồng mua bán lại cổ phiếu chưa niêm yết với ông Hoàng Văn Diện số 201/2017/MBKH-CN ngày 1/11/2017 theo đó Công ty mua 500.000 cổ phiếu của Công ty Barotex, tổng trị giá là 3.000.000.000 đồng.
Năm 2018, ông Thiện tiếp tục tự ý thông qua việc Công ty Hanoi Academy mua 575.348 cổ phần của Barotex, giá 15.000 đồng/1 cổ phần, nâng sở hữu lên 1.512.639 cổ phần, chiếm tỷ lệ 15,13% Vốn Điều lệ của Barotex.
Công ty Barotex cùng Ban lãnh đạo và nhóm người có liên quan hiện sở hữu 51% cổ phần Công ty Hanoi Academy, có quyền trực tiếp và gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong bộ máy quản lý Công ty Hanoi Academy. Như vậy, có thể coi Công ty Barotex là công ty mẹ của Công ty Hanoi Academy theo quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014 và việc sở hữu chéo giữa hai Công ty với nhau là vi phạm quy định về tổ chức mô hình công ty mẹ, công ty con theo Luật doanh nghiệp 2014.
“Kể từ năm 2015 đến nay, khi ban hành các quyết định, nghị quyết Hội đồng quản trị Công ty và biên bản họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hanoi Academy không sao gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị theo quy chế và Điều lệ công ty. Kể từ năm 2017, ông Nguyễn Đỗ Lăng và bà Nguyễn Quỳnh Nga là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Công ty Hanoi Academy không được tham gia đầy đủ, toàn bộ các cuộc họp Hội đồng quản trị của Công ty Hanoi Academy theo đúng quy định pháp luật. Trong năm 2019, ông Đỗ Trung Thiện đã không triệu tập họp Hội đồng quản trị tối thiểu mỗi quý một lần, vi phạm quy định tổ chức họp Hội đồng quản trị theo Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty Hanoi Academy”., IDJ nhấn mạnh.
Ngoài ra, trên BCTC kiểm toán 2018 thể hiện tổng cộng nguồn vốn chỉ có 11.924.302.899 đồng, tuy nhiên ông Thiện đã ban hành Nghị quyết đại hội đồng cổ đông số 02/2019/NQĐHĐCĐ-HA quyết định về việc mua cổ phiếu quỹ tối đa 30% vốn điều lệ (tương đương 37.500.000.000 đồng) của cổ đông Công ty và việc cho cổ đông Công ty vay vốn theo hình thức Repo cổ phiếu đến 70% giá trị cổ phần. Hoạt động repo cổ phiếu là hình thức mua bán có kỳ hạn, trong đó các cổ đông vay tiền Academy và thế chấp bằng việc bán cổ phiếu cho Công ty Hanoi Academy trong thời hạn vay, sau khi hết thời hạn vay cổ đông trả tiền vay và nhận lại chuyển nhượng cổ phiếu từ Công ty Hanoi Academy – đây là hoạt động kinh doanh cho vay và cầm cố tài sản, Công Hanoi Academy không có ngành nghề này và cũng chỉ tổ chức tín dụng mới được phép thực hiện.
Công ty IDJ cho rằng ông Đỗ Trung Thiện – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hanoi Academy đã cực kỳ thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục trong hoạt động quản trị và điều hành Trường Hanoi Academy. Ngoài ra, các hành vi sai phạm của ông Thiện trong các giao dịch với các Công ty có lợi ích liên quan từ năm 2015 có dấu hiệu của việc lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, gây thiệt hại cho Công ty Hanoi Academy nói riêng và các cổ đông Công ty nói chung, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục đào tạo tại Trường Hanoi Academy.
Liên quan đến những nội dung trên, PV đã nhiều lần liên hệ với cá nhân ông Đỗ Trung Thiện nhưng đều không nhận được hồi âm.
Còn nữa
Đăng Khôi/Sở hữu trí tuệ