Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Tỷ lệ giá/thu nhập (P/E) là gì? Cách tính P/E?

DTVN 09:51 26/09/2019

Tỷ lệ giá/thu nhập (Price Earning Ratio), viết tắt là P/E là số tỷ lệ được dùng để đánh giá kết quả kinh doanh hay lợi nhuận thu được của một công ty đăng ký công khai trên thị trường chứng khoán.

Tỷ lệ giá/thu nhập là gì? Chỉ số P/E là gì?

Tỷ lệ giá/thu nhập hay còn có tên gọi khác là P/E, PER (Price to Earning Ratio), là hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận (của một cổ phiếu), phản ánh mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Market Price – P) và thu nhập bình quân trên một cổ phiếu (Earning Per Share – EPS).

Chỉ số P/E là viết tắt của Price to Earning Ratio (PER), một số tên gọi khác như tỷ số P/E, Hệ số P/E;

Chỉ số P/E là một trong những công cụ để định giá cổ phiếu khi đầu tư chứng khoán

Chỉ số P/E chính bằng số năm mà nhà đầu tư hòa vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp, nếu lợi nhuận không đổi.

Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, thì Tỷ lệ giá/thu nhập hay tỷ lệ P/E (Price Earning Ratio) là số tỷ lệ được dùng để đánh giá kết quả kinh doanh hay lợi nhuận thu được của một công ty đăng ký công khai trên thị trường chứng khoán.

Chỉ số P/E là một trong những chỉ số quan trọng, quyết định đến việc lựa chọn mã cổ phiếu của nhà đầu tư.

Ví dụ nếu giá cổ phiếu của một công ty là 150 nghìn đồng, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phần là 10 nghìn đồng, thì tỷ lệ giá/thu nhập là 15:1. Khi triển vọng của một công ty được thị chứng khoán coi là tốt đẹp, thì có nhiều khả năng giá cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng lên trên mức bình thường và tỷ lệ giá/thu nhập cao và ngược lại.

2. Cách tính chỉ số PE – P/E

Theo hình trên, ta có công thức:

P/E = Giá thị trường / EPS

Hay P/E = Vốn hóa công ty / Lợi nhuận sau thuế

Trong đó:
P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
EPS = Earning Per Share : Lợi nhuận ròng của một cổ phiếu

Công thức EPS: = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành)

Ví dụ:

Nếu giá cổ phiếu của Vinamilk VNM bán trên thị trường chứng khoán là 150.000 đồng và thu nhập của mỗi cổ phiếu là 7.500đ thì chỉ số P/E sẽ là 20 ( =150.000 / 7.500), điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 20 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận của Vinamilk kiếm được trong 1 năm. Nếu Chỉ số P/E giảm xuống còn 10 có nghĩa là nhà đầu tư chỉ trả 10 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận.

Hiểu đơn giản: P/E = Số năm hòa vốn (Nếu lợi nhuận không đổi)

P/E là số liệu được tính toán dựa trên số liệu của 4 quý liên tiếp.

Nhà đầu tư nên phân biệt rõ hai loại P/E: loại lấy thu nhập bốn quí trước đó (gọi là trailing P/E) và loại dự báo thu nhập bốn quí tiếp theo (gọi là forward P/E hay P/E dự phóng). Khi nói đơn giản P/E, thì nên hiểu là trailing P/E.

Ví dụ P/E của Vinamilk là 20, một con số khá hợp lý, nhưng nếu Vinamilk tăng trưởng 30% vào năm sau, thì forward P/E của là 15.4, được đánh giá là khá rẻ.

Nếu bạn thắc mắc sử dụng chỉ số forward P/E hay trailing P/E sẽ tốt hơn, thì chẳng khác nào bạn hỏi quả cam và quả táo quả nào ngon hơn. Đó là câu trả lời chuẩn nhất đấy.

Ý nghĩa của chỉ số P/E, Chỉ số P/E nói lên điều gì?

Chỉ số P/E được hiểu là nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho 1 đồng lợi nhuận.

Ý nghĩa của chỉ số P/E thấp:

  • Cổ phiếu đang bị định giá thấp
  • Công ty đang gặp vấn đề (tài chính, kinh doanh…)
  • Công ty xuất hiện lợi nhuận đột biến, do bán tài sản chẳng hạn
  • Công ty ở vùng đỉnh chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ

Ý nghĩa của chỉ số P/E cao:

  • Cổ phiếu đang định giá cao.
  • Triển vọng công ty trong tương lai rất tốt.
  • Lợi nhuận ít nhưng mang tính tạm thời
  • Công ty ở vùng đáy chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ

Vì sao các nhà đầu tư quan tâm tỷ lệ P/E?

Chỉ số P/E là một trong những chỉ số quan trọng, quyết định đến việc lựa chọn mã cổ phiếu của nhà đầu tư.

Hệ số P/E thấp mang ý nghĩa như sau:

  • Giá cổ phiếu thấp và có khả năng tăng lên
  • Lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) đang ở mức cao.
  • Công ty có thể đang gặp vấn đề về tài chính, có nguy cơ vỡ nợ, phá sản.

Hệ số P/E rất có ích trong việc định giá cổ phiếu, bằng cách nhân ngược lại: lấy giá trị hệ số P/E được công bố nhân với EPS của công ty.

P/E được tính toán dựa trên cơ sở số liệu của công ty trong vòng 1 năm. Tuy nhiên do lợi nhuận của công ty đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, nên có thể lên xuống thất thường. Vì vậy hệ số P/E cũng có thể biến động đột ngột giữa các thời kì.

Do vậy khi đưa ra quyết định đầu tư, cần xem xét P/E không chỉ trong 1 năm mà còn trong nhiều năm trước, hoặc so sánh P/E của công ty này với công ty khác trong cùng ngành hay trong cùng 1 nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng.

Theo dautuchungkhoan.org

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ty-le-gia-thu-nhap-p-e-la-gi-cach-tinh-p-e-d62127.html

Bạn đang đọc bài viết Tỷ lệ giá/thu nhập (P/E) là gì? Cách tính P/E? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán