Vừa tăng vốn 30 lần lên 931,2 tỷ đồng
Ngày 6/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu TBH của CTCP Tổng Bách Hóa trên thị trường UPCoM. Theo đó, hơn 93,1 triệu cổ phiếu sẽ giao dịch vào ngày 13/8 với mức giá tham chiếu 5.700 đồng/cp. Với mức giá trên, giá trị vốn hóa của Tổng Bách Hóa vào khoảng 530 tỷ đồng.
Trên cáo bạch, Tổng Bách Hóa có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Theo tìm hiểu, công ty tiền thân là Tổng Công ty Bách Hóa được thành lập vào ngày 4/12/1954.
Tháng 5/2004, công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi CTCP Bách Hóa I với vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Sau đó công ty hoàn tất tăng vốn lên 31,18 tỷ đồng vào tháng 3/2008. Tháng 3/2015, TCT Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chào bán 516.060 cổ phần của công ty với mức giá bình quân 23.198 đồng/cp.
Vào tháng 2 năm nay, Tổng Bách Hóa tăng vốn thêm 900 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với mức giá 10.000 đồng/cp.
Mục đích sử dụng vốn 900 tỷ đồng từ đợt phát hành là trả nợ vay Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thái Sơn (32 tỷ đồng) và đặt cọc đầu tư dự án "Khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì" (868 tỷ đồng).
Phía mua vào là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh, đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trên website của Tân Hoàng Minh, Phú Thanh được giới thiệu là chủ đầu tư dự án D’. El Dorado II.
Tại ngày 24/2, Phú Thanh là cổ đông lớn nhất sở hữu 90 triệu cổ phần, tương đương 96,65% vốn điều lệ của Tổng Bách Hóa. Ngoài ra, công ty còn có 115 cổ đông khác sở hữu hơn 3,1 triệu cổ phần, tương đương 3,35% vốn điều lệ.
Nhờ tăng vốn, Tổng Bách Hóa thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu kéo dài trong nhiều năm. Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của công ty là âm 381,3 tỷ đồng. Cập nhật tại ngày 31/3, vốn chủ sở hữu Tổng Bách Hóa là 533,75 tỷ đồng.
Quan hệ mật thiết Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Trở lại với Tổng Bách Hóa, công ty có liên quan chặt chẽ với một đơn vị phát triển bất động sản tại Việt Nam - Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ban lãnh đạo cấp cao của công ty phần lớn đang đương nhiệm vị trí tại Tân Hoàng Minh.
Đơn cử, ông Mạnh Hoàng Thao là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng Bách Hóa đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Thao cũng từng là Phó Giám đốc Ban Phát triển dự án của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh - đơn vị có nhiều mối quan hệ về vốn với Tổng Bách Hóa thời điểm hiện tại.
Hay bà Trần Thị Thu Thủy, Thành viên HĐQT không điều hành của Tổng Bách Hóa giữ chức Phó Giám đốc Ban Phát triển và đầu tư dự án CTCP Cung Điện Mùa Đông. Theo tìm hiểu, CTCP Cung Điện Mùa Đông cũng là công ty thành viên của Tân Hoàng Minh, là chủ đầu tư của dự án D’. El Dorado I.
Những lãnh đạo liên quan đến Tân Hoàng Minh còn có bà Vũ Thị Xuân Quỳnh - Trưởng Ban kiểm soát Bách Hóa Xanh, hiện là Kế toán của CTCP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil.
Về vốn hoạt động, tính đến cuối tháng 3/2021, Tổng Bách Hóa đang cho vay Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh 155,9 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Xây dựng D' Construcion 523 tỷ đồng.
Tài sản của Tổng Bách Hóa có gì?
Về phần tài sản, Tổng Bách Hóa được biết đến là đơn vị sở hữu các bất động sản tại Hà Nội, Hải Phòng. Công ty đang lên kế hoạch triển khai một số dự án tại hai thành phố này như Khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi, Văn Điển, Thanh Trì; Dự án - Tổ hợp trung tâm thương mại tại 15 Bích Câu, Đống Đa; Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại 23 Điện Biên Phủ, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Nói về dự án "Khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì", dự án có tổng diện tích xây dựng công trình là 8.194 mét vuông, trong đó xây dựng công trình cao tầng là 7.492,8 mét vuông và xây dựng nhà trẻ là 701,2 mét vuông. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.703 tỷ đồng trong đó Tổng Bách Hóa góp 1.081,4 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Minh Việt góp 1.622 tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá của Ban Phát triển dự án của Tổng Bách Hóa, dự án sẽ đem về dòng thu hơn 5.000 tỷ đồng trong đó 3.538 tỷ đồng là bán căn hộ dịch vụ thương mại và 1.469 tỷ đồng từ quản lý tòa nhà. Lợi nhuận sau thuế mà dự án mang vê đến hết năm 2026 vào khoảng 396,7 tỷ đồng.
Thông tin tiến độ của dự án, ngày 7/5 chủ đầu tư đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (tổng vốn đầu tư, tiến độ dự án, diện tích đỗ xe...). Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang tổng hợp báo cáo trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt.
Hạch toán tính đến ngày 31/3, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại "Khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì" là 133,1 tỷ đồng.
Trong khi dự án "Khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì" đã hoàn thiện phần lớn thủ tục pháp lý, thì hai dự án tại 15 Bích Câu (Hà Nội) và 23 Điện Biên Phủ (Hải Phòng) vẫn đang được công ty tiếp tục hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị đầu tư.
Giới thiệu của công ty, lô đất tại số 15 Bích Câu có tổng diện tích là 3.735,1 mét vuông. Lô đất tại 23 Điện Biên Phủ (Ngô Quyền, Hải Phòng) có điện tích 2.856,7 mét vuông, thuộc quản lý của công ty thành viên là Công ty TNHH XNK TBH tại Hải Phòng.
Ngoài ra, Tổng Bách Hóa còn đang quản lý (trực tiếp, qua các đơn vị thành viên) các bất động sản như 352 Giải Phóng (Hà Nội, diện tích 608 mét vuông), số 2 Phạm Bá Trực (Hồng Bàng, Hải Phòng, 457,8 mét vuông).
Về nợ vay, trong quý I năm nay, Tổng Bách Hóa tất toán hết khoản vay tại TPBank - CN Hoàn Kiếm (28 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Xăng Dầu - CN Hà Nội (19 tỷ đồng) và LienVietPostBank - CN Thăng Long (49,6 tỷ đồng).
Bên cạnh việc tất toán gần hết các khoản vay, hoạt động kinh doanh của Tổng Bách Hóa có sự khởi sắc trong quý đầu năm. Công ty báo lãi sau thuế gần 15,2 tỷ đồng trong quý I. Năm 2019 và 2020, công ty lỗ sau thuế lần lượt 95 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3 gần 402,4 tỷ đồng.