Hội đồng Quản trị của Vinamilk (Mã chứng khoán VNM) vừa thông qua việc chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 24,5%, tương đương 2.450 đồng/cp. Trong đó 9,5% là cổ tức của đợt cuối năm 2023 và 15% là tạm ứng cổ tức đợt 1/2024. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/9 và dự kiến chi trả vào 24/10.
Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Vinamilk sẽ chi 4.900 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Với việc là cổ đông tổ chức lớn nhất nắm giữ 36% vốn, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ nhận về 1.764 tỷ đồng trong đợt chia này.
Theo kế hoạch, công ty sữa này dự định trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 38,5% (3.850 đồng/cp). Trước đó công ty đã hoàn thành 3 đợt với tỷ lệ 29%, tổng cộng số tiền đã chi là 6.061 tỷ đồng.
Với kế hoạch cổ tức năm 2024, Vinamilk dự kiến duy trì tỷ lệ 38,5% (tương đương 3.850 đồng/cp), tương tự như năm trước. Dự kiến công ty sẽ chi trả tổng cộng hơn 8.000 tỷ đồng cho cổ đông.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất của Vinamilk khi nắm giữ 36% vốn điều lệ (tương ứng hơn 752 triệu cổ phiếu) sẽ nhận về 1.843 tỷ đồng. F&N của tỷ phú Thái lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm giữ 17,69% (tương ứng khoảng 370 triệu cổ phiếu) nhận khoảng 905 tỷ đồng. Ngoài ra, Platinum Victory Pte. Ptd và Jardine Matheson Limited cùng sở hữu 10,62% (tương ứng gần 222 triệu cổ phiếu) sẽ nhận được gần 543 tỷ đồng.
Trước đó, Vinamilk đã thực hiện 3 đợt tạm ứng cổ tức cho năm 2023 gồm đợt 1 với tỷ lệ 15% được trả vào đầu tháng 10/2023, đợt 2 với tỷ lệ 5% và đợt 3 với tỷ lệ 9% lần lượt thanh toán vào 28/2 và 26/4 năm nay. Như vậy, tính cả đợt này, Vinamilk dành tổng cộng 8.046 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023, tương đương 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.
Sau giai đoạn tăng mạnh từ vùng giá 65.000 đồng lên 76.000 đồng, cổ phiếu VNM đã có nhịp điều chỉnh 3 phiên liên tiếp, đưa thị giá về lại vùng 74.000 đồng. Thông tin chia cổ tức giúp cổ phiếu này bật nhẹ trở lại so với tham chiếu trong phiên phiên sáng nay (23/8), lên 75.300 đồng. So với vùng giá đầu năm, cổ phiếu này đã tích lũy khoảng 10%. Kết phiên giao dịch 22/8, thị giá cổ phiếu VNM đạt 74.200 đồng/cp, tăng gần 15% sau một tháng.
Hiện vốn hóa của Vinamilk vượt mốc 155.000 tỷ đồng, giúp công ty quay lại Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Dù vậy, mức vốn hóa hiện tại vẫn còn kém xa thời kỳ hoàng kim hồi cuối năm 2017, giai đoạn Vinamilk còn là cái tên giá trị nhất thị trường.
Cổ phiếu VNM là cổ phiếu hiếm hoi trên thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua ròng mạnh trong thời gian gần đây, đi ngược xu thế bán ròng trên toàn thị trường. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 33 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng giá trị gần 2.400 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý 2/2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý 3/2021, trở thành quý có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Thị trường nước ngoài đóng 18,5% tổng doanh thu trong quý 2/2024. Cụ thể, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong quý đầu năm. Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Vinamilk đạt 2.696 tỷ đồng, tăng gần 21% so với thực hiện của quý 2/2023, đồng thời là quý thứ 3 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng trên 15%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.903 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 19% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm đề ra.