Sau 9 tháng, chứng khoán TPS mới chỉ thực hiện 41% kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,4 lần cùng kỳ, đạt 70,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Chứng khoán TPS thu về hơn 2.022 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt giảm 7% và 10% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 206,8 tỷ đồng và 163 tỷ đồng. Sự sụt giảm này chủ yếu do khoản lỗ kỷ lục gần 129 tỷ đồng sau thuế trong quý 2 trước đó.
Riêng quý 3/2022, TPS ghi nhận doanh thu hoạt động cho vay và phải thu tăng 60% so với cùng kỳ, mang về 40 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu môi giới thu hẹp đáng kể, đóng góp hơn 15 tỷ đồng vào tổng doanh thu và cũng không đủ bù chi phí cho hoạt động môi giới kỳ này.
Hoạt động tự doanh tiếp tục ghi nhận các giao dịch tài sản lớn. Chênh lệch lãi/lỗ bán tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) xấp xỉ 109 tỷ đồng riêng quý III và hơn 297 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Tổng giá trị bán các tài sản tài chính trong kỳ là hơn 14.600 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở trái phiếu. Trong các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ, TPS đã bán 4.938 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết mang về khoản lãi 88 tỷ đồng trong quý 3/2022 và 402 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022. Công ty cũng thoái vốn khỏi các lô trái phiếu trị giá hơn 8.700 tỷ đồng nhưng chấp nhận bán lỗ. Khoản lỗ từ bán trái phiếu riêng quý 3/2022 là 201 tỷ đồng và tính chung 9 tháng lên tới 660 tỷ đồng.
Năm 2022, TPS lên kế hoạch tổng doanh thu 1.981 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 85% so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả đạt được sau 9 tháng đầu năm, công ty chỉ mới thực hiện được khoảng 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, dòng tiền kinh doanh âm
Ở một diễn biến khác, Chứng khoán TPS lại đẩy mạnh ‘ôm’cổ phiếu. Tại thời điểm cuối tháng 9/2022 ở mức hơn 1.049 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối quý 2 và cao gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, giá trị hợp lý của các cổ phiếu niêm yết mà ORS nắm giữ đạt 381 tỷ đồng, thấp hơn tới 32,7% so với giá gốc.
Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của TPS đã tăng 37,5% so với đầu năm lên gần 6.553 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị khoản phải thu cung cấp dịch vụ CTCK cung cấp tăng vọt các quý gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng quy mô tài sản của TPS. Khoản phải thu trên tăng lên 2.050 tỷ đồng, từ mức 564,5 tỷ đồng hồi đầu năm.
Giá trị lũy kế của các khoản phải thu từ dịch vụ cung cấp thậm chí đã vượt doanh thu công ty ghi nhận trong 9 tháng đầu năm và tương đương gần 83% doanh thu 4 quý gần nhất. Con số này phần nào cho thấy, hoạt động cung cấp dịch vụ chưa thực sự mang 'tiền thật' về cho TPS.
Về dòng tiền, 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại TPS âm hơn 784 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do có tới 1.486 tỷ đồng từ các dịch vụ CTCK cung cấp chưa thu được tiền trong 9 tháng đầu năm.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 4 tỷ đồng do công ty mua sắm, đầu tư tài sản cố định. Dòng tiền thu vào của công ty chủ yếu đến từ hoạt động tài chính (vay nợ). Đến cuối tháng 9/2022, tiền và tương đương tiền của TPS đạt gần 320 tỷ đồng, tương đương 4,9% tổng tài sản của công ty.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tại thời điểm cuối tháng 9/2022, Chứng khoán TPS ghi nhận tổng nợ phải trả 4.217 tỷ đồng, gấp 1,6 lần đầu năm, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng, trong đó doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 225 tỷ đồng, cao gấp 10 lần và các khoản phải trả, phải nộp khác ngắn hạn 520,6 tỷ đồng, cao gấp gần 8 lần.
Nợ vay ngắn hạn không thay đổi nhiều, với 346 tỷ đồng, vay từ ngân hàng Shinhan Bank, Singapore Branch có lãi suất 3%/năm