Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bất chấp COVID-19, thị trường chứng khoán 2021 “hút” nhà đầu tư

DTVN 11:46 18/01/2021

Các chuyên gia dự báo, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số.

Chiều 15/1, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán".

Phục hồi mạnh mẽ

Tại Hội thảo, ông Lê Long Giang - Chủ tịch VFCA cho hay năm 2020 là năm nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động tiêu cực, bất ngờ của đại dịch COVID-19. Trong cả năm vừa qua bệnh dịch không ngừng lây lan, diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở rất nhiều nước trên thế giới.

Các chuyên gia đều cho rằng, nhóm ngành về CNTT, Ngân hàng, Công nghiệp vẫn là các nhóm ngành nổi bật

Sự gia tăng của số lượng người nhiễm và sự hạn chế hoạt động, giãn cách xã hội đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm, thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việt Nam mặc dù được thế giới ghi nhận là tấm gương trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhờ có biện pháp đối phó chủ động, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành nhưng kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch. Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều bị sụt giảm gây suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại khu vực châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế đang có dấu hiệu khôi phục nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất của Chính phủ.

Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế đề ra từ đầu năm không hoàn thành nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương (đạt 2,91%), được ghi nhận là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020, là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất.

Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư mới và thanh khoản tăng cao.

Ông Giang cho rằng, những nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trong nước liên tục hấp dẫn vốn của các nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng mạnh là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới sẽ là xây dựng, bất động sản.

“Những ngày đầu năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại lịch sử tiệm cận 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh. Mặc dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới là rất lớn”, ông Giang dẫn chứng.

Hai kịch bản thị trường chứng khoán 2021

Chia sẻ tại buổi Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông tin, kinh tế thế giới 2020 suy thoái sâu, giảm khoảng 4-4,5% so với 2019; nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021, khoảng từ 4-5%; lạm phát ở mức thấp khoảng 2%.

Theo ông Lực năm 2021, kinh tế thế giới vẫn còn rủi ro từ đại dịch COVID-19, từ chiến tranh thương mại và công nghệ. Bên cạnh đó, địa chính trị phức tạp, khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán…biến động mạnh và khó đoán hơn.

Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2020 và hướng về tầm nhìn năm 2021, ông Lực cho biết dịch Covid-19 đã tác động lớn cả về phía tổng cung và tổng cầu.

Về tổng cung, các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu dùng toàn cầu bị ngưng trệ. Các trung tâm lớn nhất bị ảnh hưởng gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức có tác động mạnh tới chuỗi giá trị toàn cầu. Các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu chịu tác động nhiều (Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc…)

Về tổng cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa giảm; nhu cầu du lịch, đi lại giảm; tăng trưởng kinh tế của các nước dựa nhiều vào xuất khẩu và du lịch chịu tác động mạnh (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam..).

Dù vậy, ông Lực cho rằng, Việt Nam đối diện với những rủi ro ở mức trung bình, chưa quá lo ngại nhưng cũng không nên chủ quan. “Chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển thị trường chứng khoán”, ông Lực tin tưởng.

Vì vậy, TS Cấn Văn Lực khuyên nhà đầu tư trong bối cảnh, xu hướng mới và yêu cầu mới có cả cơ hội lẫn những thách thức mới. Vì vậy, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư và không dùng đòn bẩy quá nhiều.

“Nhà đầu tư tránh tâm lý đầu tư theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái, nếu không có thể đầu tư thông qua các tổ chức kinh doanh chứng khoán”, ông Lực nhấn mạnh.

Phân tích về những dấu ấn của thị trường chứng khoán năm 2020, ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt nhận định, năm 2020 là một năm bán ròng của nhà đầu tư ngoại khi khớp lệnh bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Năm 2020 cũng là năm “bùng nổ” của quỹ nội, thu hút vốn nước ngoài mua ròng hơn 4.500 tỷ đồng giai đoạn cuối năm.

Năm 2020, các nhóm ngành về Công nghệ Thông tin, Ngân hàng, Công nghiệp vẫn là các nhóm ngành nổi bật.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên, tốc độ có phần kém hơn với năm 2020 do triển vọng về kinh tế đã được phản ánh vào P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), dòng tiền đầu tư ổn định hơn khi mặt bằng lãi suất ổn định và tăng nhẹ

Ông Thắng nêu 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2021. Theo đó, kịch bản thứ nhất dựa trên lộ trình vaccine, EPS (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu) toàn thị trường tăng trưởng tốt, khoảng lớn hơn 18%, chỉ số VN-Index có thể đạt tới 1.250 điểm.

Kịch bản thứ hai, với những rủi ro mới tác động, EPS tăng từ 15-16%, VN-Index có thể điều chỉnh xuống 950 điểm và dao động trong vùng 950-1.000 điểm.

Theo Thời báo Kinh doanh

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/bat-chap-covid-19-thi-truong-chung-khoan-2021-hut-nha-dau-tu-110965.html

Bạn đang đọc bài viết Bất chấp COVID-19, thị trường chứng khoán 2021 “hút” nhà đầu tư tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán