Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Bảo hiểm bán qua ngân hàng: Kịch bản được lên sẵn, khách hàng bị lừa từ 'cú này sang cú khác'

dân việt 09:16 28/02/2023

Tình trạng khách hàng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn mập mờ để dẫn dụ sang sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

hay như việc muốn vay vốn phải mua bảo hiểm được xem là "luật bất thành văn" diễn ra liên tục trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận.

Sự việc gây sự chú ý gần đây khi có đến hàng chục người dân gửi đơn tố giác lên Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm. Theo phản ánh, một số khách hàng đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm "Tâm An Đầu Tư" của Manulife.

Các khách hàng này cho biết trong quá trình tư vấn, nhân viên ngân hàng tư vấn lập lờ, không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm mà nói là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp với Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam (Manulife) có lãi khoảng 10%/năm.

Các đơn thư tố giác đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc ngân hàng và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

mot-nhom-khach-hang-di-gui-tiet-kiem-tai-ngan-hang-bi-tu-van-vien-chuyen-sang-mua-goi-bao-hiem-am-an-dau-tu-cua-manulife-1677472619.jpg

Một nhóm khách hàng đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm "Tâm An Đầu Tư" của Manulife. (Ảnh: NVCC)

Lên "sẵn" kịch bản dụ khách hàng "lọt bẫy" tiết kiệm đầu tư thành mua bảo hiểm

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại ngân hàng có liên kết phân phối bảo hiểm của Manulife, mà còn diễn ra tại một số nhà băng liên kết các công ty bảo hiểm có tên tuổi khác trên thị trường hiện nay.

Phản ánh tới Dân Việt, chị L.M.Hiển (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) cho biết, tới ngân hàng đáo hạn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, chị Hiển được mời chào gói "tiết kiệm đầu tư" mới với mức lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường và bất cứ lúc nào cần tiền đều có thể rút được.

Tuy nhiên, trong gói "tiết kiệm đầu tư" này gồm 2 phần đó là phần cố định trị giá 50 triệu đồng và phần còn lại khoảng 450 triệu đồng.

Khoản tiết kiệm 200 triệu đồng tại cùng ngân hàng này (chi nhánh khác) của chị Hiển cũng được tư vấn tương tự, trong đó 25 triệu đồng là phần đóng cố định và phần đóng thêm là số tiền còn lại.

"Khi nhận được bản hợp đồng và giấy chứng nhận tôi vô cùng bàng hoàng nhận ra là số tiền hơn 75 triệu kia của tôi thực chất đã được đầu tư cái gọi là "phần cố định" nhưng bản chất là một hợp đồng mua bảo hiểm, với 2 hợp đồng bảo hiểm. Tôi khẳng định, các cán bộ tư vấn cho tôi không hề cho biết phần cố định thực chất là khoản tiền mua bảo hiểm. Chỉ đến khi nhận được hợp đồng bảo hiểm sau hơn 1 tháng tôi mới biết được bản chất", chị Hiển thông tin và cho biết thêm, các nhân viên tư vấn dường như đã lên sẵn một kịch bản để lừa chị từ "cú này sang cú khác".

Chị Hiển nói: Ngay tại thời điểm đó, chị đã yêu cầu hủy hợp đồng với lý do bị lừa dối, không chỉ vì chị đang mắc nhiều bệnh hợp đồng bảo hiểm ngay từ khi ký đã vô hiệu, hơn nữa với mức thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng (lương hưu) chị sẽ không đủ khả năng đóng 75 triệu đồng bảo hiểm/năm, kéo dài ít nhất trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các nhân viên tư vấn cho biết, chị có thể xin gia hạn và đến năm thứ 6, chị có thể rút tiền về, thậm chí có nhiều khách hàng không cần rút lại tiền bảo hiểm đã đóng, với lý do "phần lợi nhuận sinh ra từ khoản đóng thêm đã gấp nhiều lần khoản cố định khách hàng đã đóng".

"Một lần nữa tôi đã đành phải tin tưởng ngân hàng, như một sự việc đã rồi. Thế nhưng, đến khi công ty bảo hiểm thông báo kỳ đóng tiếp theo và không có chuyện gia hạn như đã được tư vấn. Nếu tôi không đóng, số tiền hơn 700 triệu đồng của tôi đầu tư từ tháng 9/2021 đến nay sẽ mất trắng 250 triệu đồng", chị Hiển bức xúc.

Tương tự, khách hàng P.T.M.Trang (Hà Nội) rất bức xúc vì đi gửi tiết kiệm nhưng thành hợp đồng bảo hiểm của MB Ageas Life, cho dù nhân viên ngân hàng không nhắc đến "một từ bảo hiểm", thay vào đó cho biết, đó là gửi tiết kiệm tích lũy cho con.

Chưa kể, nhân viên ngân hàng thông tin tới chị rằng, sau 5 năm khách hàng có thể rút lại số tiền này với lãi suất đâu đó khoảng 8%/năm. Thế nhưng, thực tế không thể rút được gốc như nhân viên đã đề cập.

"Ngân hàng lừa đảo khách hàng để mua bảo hiểm", chị Trang nói và cho biết, chị đã phản hồi tới ngân hàng nhưng cả tháng nay chưa nhận được phản hồi.

"Ép" khách vay vốn mua bảo hiểm

Không chỉ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bị nhân viên ngân hàng "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Manulife. Phản ánh tới Dân Việt, chị Thùy Liên (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, ngân hàng "ép" chị mua bảo hiểm Manulife mới được vay vốn.

"Tôi đăng ký vay tiền mua nhà tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Khi trao đổi với nhân viên tư vấn khoản vay, nhân viên này yêu cầu phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ mới cho vay. Tôi vay 200 triệu đồng, nhưng mỗi năm phải gánh thêm 22 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm. Vì để vay được tiền nên "cắn răng" chấp nhận yêu cầu từ nhân viên tư vấn", chị Liên nói.

Cũng theo phản ánh của chị, khi trao đổi với khách hàng, nhân viên tư vấn cho biết đây là bảo hiểm cho khoản vay, nhưng thực tế lại là bảo hiểm sức khỏe.

nhieu-nhan-vien-ngan-hang-cho-biet-vay-von-phai-mua-bao-hiem-la-luat-bat-thanh-van-tai-ngan-hang-1677472692.jpg

Nhiều nhân viên ngân hàng cho biết, vay vốn phải mua bảo hiểm là "luật bất thành văn" tại ngân hàng. (Ảnh: TT)

Trường hợp như chị Liên không phải cá biệt. Có nhu cầu vay vốn bà Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) cũng được tư vấn phải "mua bia kèm lạc". Trao đổi với bà Linh, nhân viên ngân hàng cho biết đây là "quy ước bất thành văn" của ngân hàng". Vị khách hàng hàng cho biết thêm, khi đến ký hợp đồng vay, nhân viên ngân hàng đã mời 1 đại lý bảo hiểm (là đối tác của ngân hàng) đến và đưa cho bà Linh hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 2 tỷ đồng, mức phí hằng năm là 45 triệu đồng.

Do phí bảo hiểm cộng khoản vay mua nhà là một gánh nặng lớn với gia đình bà Linh nên đã yêu cầu thay đổi mệnh giá bảo hiểm cùng mức phí đóng và được nhân viên ngân hàng giải thích: "với giá trị khoản vay của bà thì bà phải tham gia bảo hiểm với mệnh giá lớn" và không giải thích gì thêm. Nhưng do đã đến hạn trả tiền nhà, bà Linh vẫn phải ký hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Thế nhưng, sau đó vị khách hàng này liên hệ nhân viên tư vấn bảo hiểm để hỏi về thủ tục từ chối hợp đồng bảo hiểm và muốn kiến nghị về việc này thì được trả lời "có kiến nghị thì cũng thế thôi".

Tương tự, một khách hàng tại TP.HCM cũng phản ánh, ông thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng "bắt" mua bảo hiểm nhân thọ của Sunlife khiến ông rất bức xúc.

Hơn nữa, nhân viên tư vấn còn thừa nhận, nếu khách hàng vay tiền và mua kèm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ khâu duyệt hồ sơ nhanh, giải ngân sớm, lãi suất ưu đãi.

Vay tiền tại một ngân hàng có liên kết phân phối bảo hiểm của AIA, ông P.Hưng (TP.HCM) thông tin, với khoản vay gần 700 triệu đồng, ông phải mua bảo hiểm nhân thọ hết 30 triệu đồng mới được ngân hàng thực hiện giải ngân cho khoản vay này.

Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định việc ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm là không thể chấp nhận và là hành vi vi phạm pháp luật.

"Luật Tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động là đại lý bảo hiểm. Song Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nghiêm cấm việc cưỡng ép bán bảo hiểm nếu khách hàng không tự nguyện", ông Hùng khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết Bảo hiểm bán qua ngân hàng: Kịch bản được lên sẵn, khách hàng bị lừa từ 'cú này sang cú khác' tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm