Cơ quan Quản lí an toàn giao thông Mỹ cho biết, hãng xe sang nước Đức sẽ phải triệu hồi các mẫu Mercedes-AMG GT tại thị trường Bắc Mỹ do dây tín hiệu của cảm biến tốc độ bị đứt, dẫn đến các tính năng hỗ trợ an toàn như hệ thống ổn định thân xe điện tử, hệ thống kiểm soát lực kéo, hệ thống hỗ trợ phanh… bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ gặp tai nạn cho người lái.
Được biết, nguyên nhân của đợt triệu hồi này là do các dây nối cảm biến này không đủ độ dài, dẫn đến việc bị kéo căng và đứt ra trong quá trình sử dụng. Sẽ có khoảng 180 chiếc Mercedes-AMG GT tại thị trường Bắc Mỹ phải triệu hồi lần này, đây là các phiên bản AMG GT Black Series 2021.
Vào tháng 1/2022, thương hiệu xe Đức Mercedes-Benz cũng đã phát đi thông báo về đợt triệu hồi quy mô lớn trên toàn cầu đối với hơn 800.000 xe thuộc các dòng khác nhau do tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Hơn 800.000 xe trang bị động cơ diesel (dầu) thuộc nhiều dòng khác nhau của Mercedes-Benz được xác định có nguy cơ cháy nổ trong quá trình vận hành. Nhà sản xuất ô tô nước Đức đã xác nhận nguy cơ rủi ro cho người sử dụng xe sau khi nhật báo Bild (Đức) công bố những bức thư của Mercedes-Benz gửi tới các chủ xe, cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn.
Theo Bild, mặc dù đã thừa nhận lỗi kỹ thuật khiến xe đối mặt với nguy cơ cháy nổ, nhưng Mercedes-Benz chưa thể triệu hồi vì thiếu linh kiện thay thế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Được biết, các dòng xe nằm trong đợt triệu hồi quy mô lớn lần này gồm: C-Class (W205), E-Class (W213d, W238), S-Class (W222, W223), CLS (W257), GLE/GLS (X167, X257), GLC (X253) và G-Class (XX463). Các mẫu xe bị triệu hồi kể trên có thời gian sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2021.
Phía nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz cho biết hơn 800.000 xe bị triệu hồi được xác định tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ trong quá trình vận hành sử dụng loại động cơ diesel (dầu). Hãng cũng đã công bố lý do của đợt triệu hồi. Cụ thể, bơm nước làm mát trên các xe bị lỗi được điều áp bằng chân không, có thể bị rò rỉ giữa hệ thống chân không và mạch điện. Khi trục trặc xảy ra, nước làm mát chảy vào hệ thống chân không có thể gây hỏng nhiều thành phần, đặc biệt là các linh kiện điện. Trong tình huống xấu, các linh kiện này có thể bị đoản mạch, quá nhiệt và dẫn tới bốc cháy. Ngọn lửa có thể lan rộng do phản ứng hóa học giữa nhiều hóa chất và vật liệu xung quanh.