Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 21/02/2025

Giá nhà cao ngất ngưởng, Bộ Xây dựng vào cuộc thanh tra: Giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề?

DTVN 13:02 20/02/2025

Thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại những vướng mắc, nhất là tình trạng giá bất động sản tại Việt Nam hiện nay tăng cao, vượt xa thu nhập bình quân của người dân.

Những kỳ vọng từ Luật Đất đai 2024 và câu chuyện giá bất động sản cao ngất ngưởng

Với Luật Đất đai 2024, những quy định mới như bỏ khung giá đất, bảng giá được cập nhật hàng năm và mở quyền quyết định giá cho cấp quận/huyện... được kỳ vọng cải thiện việc giao, sử dụng đất và tăng thu ngân sách.

Theo luật mới, giá đất sẽ được định giá theo nguyên tắc thị trường. Việc này giúp tăng tính minh bạch, thanh khoản địa ốc. Theo luật trước đây, bảng giá được dùng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất. Bảng giá này do UBND tỉnh xây dựng hàng năm, dựa theo khung Chính phủ ban hành 5 năm một lần. Quy định này tạo chênh lệch khá lớn giữa giá đền bù và thị trường, khiến thu thuế từ đất đai giảm.

Tuy nhiên, Luật Đất đai mới đã bỏ khung giá đất nên việc định giá sẽ phản ánh đúng thị trường hơn. Hiện, quy định chưa nêu rõ giá trị thị trường của đất là gì, song theo Hội đồng Tiêu chuẩn định giá quốc tế (IVSC), đây là mức ước tính của tài sản tại thời điểm và địa điểm giao dịch, do các bên tham gia "thuận mua vừa bán" và không bị ép buộc.

Nguyên tắc định giá đất theo thị trường có thể khiến giá bất động sản tiếp tục tăng bởi khi đó, mức bồi thường giải phóng mặt bằng không còn thấp như trước đây - giai đoạn tính theo bảng giá đất, mà sát thị trường. Điều này sẽ kéo theo tổng chi phí đầu tư của dự án tăng lên. Để đảm bảo quyền lợi, chủ đầu tư sẽ phải tăng giá bán sản phẩm tại các dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, mức tăng này sẽ bền vững và phản ánh sát giá trị sản phẩm, thể hiện độ am hiểu thị trường của các bên tham gia giao dịch.

Đất sẽ được giao cho nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao nhất. Cùng đó, khi cơ sở dữ liệu về giá được hoàn thiện, các thông tin mua bán chuyển nhượng được công khai, giúp việc giao, sử dụng đất hiệu quả hơn. Ngoài ra, ngân sách sẽ tăng thu từ thuế thu nhập chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giúp thêm nguồn lực phát triển hạ tầng xã hội.

Dữ liệu của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản mới đây thông tin, hiện nguồn cung nhà ở tại Hà Nội không còn khan hiếm như thời điểm đầu năm 2024 nhưng giá nhà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm 2025, với hàng loạt dự án chung cư sắp mở bán, thị trường bất động sản Hà Nội được đánh giá sẽ sôi động trở lại.

Dự án The Matrix Premium nằm tại ngã tư Mễ Trì - Lê Quang Đạo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) do MIK Group làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 37 và 44 tầng, sẽ cung cấp ra thị trường 990 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ sẽ là từ 90-120 triệu đồng/m2, bàn giao vào năm 2027.

Hay dự án Imperia Signature Cổ Loa thuộc khu đô thị Vinhomes Global Gate (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cũng do MIK Group làm chủ đầu tư với khoảng 4.000 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ là 87-115 triệu đồng/m2, bàn giao trong quý I/2028.

Một dự án khác của MIK Group là phân khu The Victoria thuộc Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) với khoảng 1.836 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ là 80-85 triệu đồng/m2, bàn giao vào năm 2027.

Đáng chú ý, tháng 11/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) thống nhất bổ sung 3 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Một trong số đó là dự án tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học (số 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tên thương mại của dự án là Imperia Sky Garden.

Cũng nằm trong khu đô thị Vinhomes Global Gate, dự án Masteri Grand Avenue của chủ đầu tư Masterise Homes cung cấp ra thị trường 1.640 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ là 90-120 triệu đồng/m2, bàn giao trong quý III/2027.

Tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1 (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm), nhiều dự án dự kiến mở bán trong năm 2025. Trong đó, dự án The Senique Hanoi do CapitaLand Việt Nam làm chủ đầu tư với khoảng 2.150 căn. Dự kiến giá bán căn hộ là 70-80 triệu đồng/m2, bàn giao vào năm 2027.

Phân khu The Lake thuộc khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1 do Masterise Homes làm chủ đầu tư với quy mô khoảng 2.500 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ là 74-85 triệu đồng/m2, bàn giao vào năm 2027.

Cũng nằm tại Vinhomes Ocean Park 1, phân khu The London do Mitsubishi hợp tác với Vingroup triển khai với quy mô hơn 1.700 căn. Dự kiến giá bán căn hộ 65-71 triệu đồng/m2, bàn giao từ năm 2026.

Hay phân khu The Paris thuộc Vinhomes Ocean Park 1 với khoảng 3.000 căn hộ cũng do Mitsubishi hợp tác với Vingroup triển khai. Dự kiến giá bán căn hộ là 68-80 triệu đồng/m2, bàn giao cuối năm 2026.

Dự án Noble Crystal do Công ty cổ phần Bất động sản Wonderland làm chủ đầu tư tọa lạc tại khu đô thị Ciputra (phường phú Thượng, quận Tây Hồ). Theo giới thiệu, dự án có quy mô 60 căn biệt thự liền kề, 955 căn hộ tại 5 tòa tháp cao 40 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự kiến giá bán căn hộ 150-270 triệu đồng/m2, bàn giao vào năm 2026.

Tiếp theo là dự án The Nelson Private Residences do Công ty cổ phần Tập đoàn HD Mon làm chủ đầu tư tại số 29 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình). Dự án có quy mô gồm 27 tầng nổi + 3 tầng hầm, với 175 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ 140-150 triệu đồng/m2, bàn giao vào quý III/2025. (1)

Tọa lạc tại 90 đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), dự án The Ninety Complex do Công ty TNHH Thương mại Ánh Sao làm chủ đầu tư có quy mô 4 tầng hầm, 27 tầng nổi với 480 căn hộ. Dự kiến giá bán căn hộ 80-90 triệu đồng/m2, bàn giao vào quý I/2025.

Tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng (4% đến 6%) theo quý và (22% đến 25%) theo năm.

Trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư bình dân (có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán; căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn chiếm tỷ trọng cao về giao dịch và nguồn cung trên thị trường, thứ tự còn lại là căn hộ chung cư cao cấp, siêu cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, một số dự án có giá bán cụ thể như: Ecolife Tây Hồ: khoảng 72,6 triệu đồng/m2; Sunshine Garden (Hai Bà Trưng): khoảng 54,2 triệu đồng/m2; Chelsea Park - Cầu Giấy: khoảng 62,3 triệu đồng/m2; Tràng An Complex - Cầu Giấy: khoảng 70,8 triệu đồng/m2; Riverside Garden - Thanh Xuân: khoảng 56,9 triệu đồng/m2: Legend Tower - Thanh Xuân: khoảng 71,7 triệu đồng/m2; Anland LakeView - Hà Đông: khoảng 60,5 triệu đồng/m2; Imperia Smart City - Nam Từ Liêm: khoảng 62,1 triệu đồng/m2; Vinhomes Ocean Park tại phân khu The Zurich: khoảng 46-55 triệu đồng/m2 tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy; Dự án Lumi Prestige: từ 69 triệu đồng/m2 tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm; Dự án The Ninety Complex: khoảng 60-75 triệu đồng/m2 tại quận Đống Đa.

Dự án The Sapphire - Vinhomes Smart City có giá khoảng 47-61 triệu đồng/m2 tại quận Nam Từ Liêm; Dự án khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex giá khoảng 75-97,2 triệu đồng/m2 tại quận Thanh Xuân.

Dự án Công trình nhà ở cao tầng, cây xanh và bãi đỗ xe tại các lô đất ký hiệu: HH4, HH5, CL2, CL3, CX và P1 thuộc dự án Khai Sơn City tại phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Long Biên có giá từ 50-68 triệu đồng/m2,…

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án có giá bán cụ thể như: The Horizon Phú Mỹ Hưng: khoảng 125,4 triệu đồng/m2; The Ascent - quận 2: khoảng 64,2 triệu đồng/m2; Lữ Gia Plaza - quận 11: khoảng 46,4 triệu đồng/m2; Osimi Tower - quận Gò Vấp: khoảng 41,8 triệu đồng/m2; Dự án Diamond Centery: từ 61-73,3 triệu đồng/m2 tại quận Tân Phú; Dự án Stown Tham Lương: từ 29,8-43,5 triệu đồng/m2 tại quận 12; Dự án Urban Green: từ 52-59,7 triệu/m2 tại thành phố Thủ Đức; Dự án Glory Heights - Vinhomes Grand Park: từ 40-80 triệu đồng/m2 tại quận 9.

Dự án The Aurora Phú Mỹ Hưng, quận 7: từ 88-90 triệu đồng/m2; Dự án The Beverly Solari - Vinhomes Grand Park, quận 9: từ 46,83-65,6 triệu đồng/m2.

Sunshine sẽ ra mắt 5 dự án lớn trên trục bất động sản Hồ Tây - Ba Vì (Hà Nội) với tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, cung ứng cho thị trường gần 10.000 sản phẩm ở cả phân khúc cao và thấp tầng, dự kiến mang về doanh thu hơn 200.000 tỷ đồng.

Song song, các dự án khác của Sunshine vẫn đang triển khai cấp tập tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, ngoài 3 dự án đã hoàn thiện trong năm 2023 (Sunshine Capital Tay Thang Long, Sunshine Golden River, Sunshine Diamond River hợp phần B-C), năm 2024 Sunshine sẽ tiếp tục đẩy nhanh thi công dự án Sunshine Green Iconic (đã hoàn thành cất nóc cả 4 toà) và 2 tổ hợp cao tầng quy mô lớn là Sunshine Sky City (9 toà), Sunshine Diamond River (12 tòa).

Theo đó, chỉ tính riêng 5 dự án vừa nêu, cùng với dự án Sunshine City (Hà Nội) đã đi vào vận hành từ trước đó, tổng số sản phẩm Sunshine Group đã và đang cung ứng cho thị trường lên tới gần 9.000 căn.

Báo cáo mới nhất của Savills, phân khúc chung cư tại thị trường thứ cấp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là các dự án gần các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2A và 3, nơi giá thứ cấp tăng 24% theo quý, cao hơn mức trung bình của thị trường 4 điểm %. Kể từ năm 2020, giá bán thứ cấp trung bình tăng 22% mỗi năm. Theo đó, phân khúc chung cư hạng C ghi nhận mức tăng cao nhất đạt 26% mỗi năm, tiếp theo là hạng B với 20% và hạng A với 19%. Liền kề, biệt thự, giá bán thứ cấp cũng có sự tăng trưởng. Theo đó, giá thứ cấp của biệt thự tăng 5% theo quý đạt 178 triệu đồng/m2 đất. Giá liền kề tăng 6% theo quý đạt 198 triệu đồng/m2 đất và nhà phố thương mại tăng 4% theo quý lên 245 triệu đồng/m2 đất. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá sơ cấp và thứ cấp đã nới rộng đáng kể. Giá biệt thự thứ cấp rẻ hơn 46% so với giá sơ cấp, trong khi giá liền kề thứ cấp rẻ hơn 29%. Giá nhà phố thương mại thứ cấp thấp hơn 23% so với giá sơ cấp.

Giá nhà cao vượt quá khả năng mua của đại đa số người dân, vì sao?

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - nhận định, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới; một phần do thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM.

“Mặc dù các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được ban hành và có hiệu lực thi hành, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành đi vào cuộc sống và thực thi có kết quả”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận trong thời gian qua, các cấp Chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Từ đó, giúp nhiều dự án được triển khai trở lại, “bơm” thêm nguồn cung cho thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 40.000 sản phẩm nhà ở được mở bán mới.

Theo quy luật thị trường thì khi cung tăng, giá bán sẽ giảm nhưng thị trường bất động sản gần đây lại tồn tại một nghịch lý là nguồn cung tăng nhưng giá bán cũng liên tục tăng cao. Bởi nguồn cung được cải thiện song chưa thực sự dồi dào, trong khi dòng tiền đầu tư lại bị dồn nén quá lâu, nên khi thị trường có nguồn cung mới, tỷ lệ hấp thụ vẫn cao dù giá bán tăng mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, cho rằng bài toán lớn nhất hiện nay đối với thị trường bất động sản là giá bán sản phẩm bất động sản.

"Ngành bất động sản chiếm 17% GDP cả nước và liên quan đến hàng chục ngành nghề khác nhau, vì vậy, phát triển bất động sản là góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Do đó, đây cũng là lĩnh vực được Chính phủ, Quốc hội quan tâm tháo gỡ. Nhưng giá cao quá thì ai mua? Nhiều chung cư có giá lên tới 500 triệu đồng/m2 - mức giá rất phi lý" - ông Hiệp cho hay.

Theo ông Hiệp, một trong những nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng cao là phương pháp định giá đất hiện nay. Có những dự án chỉ chênh 6 tháng về thời điểm định giá, giá đất đã cao gấp đôi. Trong khi đó, giá đất hiện đang chiếm tới 40% giá thành sản phẩm bất động sản. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng chưa được định giá đất nên chưa được mở bán ra thị trường. Nhiều dự án do “tắc” định giá đất, khiến chậm trễ trong khâu đầu tư xây dựng.

“Nghiêm trọng hơn, định giá đất cao khiến giá thành bất động sản tại Việt Nam đang cao hơn so với khu vực. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía các cơ quan chức năng và hệ thống luật pháp, giá bất động sản có thể tiếp tục “leo thang” mà không có điểm dừng. Đến khi giá cả vượt quá mức chấp nhận của thị trường, không còn ai có khả năng mua, các doanh nghiệp bất động sản có thể phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ", ông Hiệp cho biết.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại những vướng mắc. Nhất là tình trạng giá bất động sản tại Việt Nam hiện nay tăng cao, vượt xa thu nhập bình quân của người dân.

Cụ thể, theo số liệu thống kê được ông Lực đưa ra, giá nhà so với số năm thu nhập bình quân hộ gia đình tại Việt Nam trong năm 2024 là 23,7 năm, tăng 0,2 năm so với năm 2023 (tức 23,5 năm). Trong khi đó, giá nhà so với số năm thu nhập bình quân hộ gia đình trên thế giới là khoảng 15,1 năm (năm 2023) và 14,6 năm (năm 2024).

Cùng có những nhận định về thị trường hiện nay, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, nhấn mạnh điều nổi cộm đó là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở, đồng thời thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản. Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam nêu thực tế thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, đại biểu cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích.

Đại biểu cho rằng cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân.

Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp cho biết có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá bất động sản nhà ở một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Đặc biệt, tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Do quản lý đấu giá không tốt nên có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá, trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời. Giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương. Đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, cũng có hiện tượng tạo giá ảo, "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường.

Một nguyên nhân nữa làm tăng giá bất động sản thời gian quan là do thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM.

Điều này do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn vay tín dụng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, có nhiều dự án đã, đang triển khai xây dựng thời gian qua phải tạm dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ triển khai xây dựng.

Chính phủ vào cuộc

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở), quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội (Luật Đất đai).

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung, ưu tiên xây dựng, trình ban hành các nghị định hướng dẫn các luật liên quan đến nhà ở xã hội trên tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường. Chủ trì, phối hợp các bộ nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.

Hay như mới đây, ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 03 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

Công điện nêu, thời gian quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, kiểm soát và ổn định thị trường bất động sản; tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất; kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong năm 2024, tại một số thời điểm, một số khu vực, địa phương giá bất động sản, nhà ở tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của người dân, nguyên nhân một phần do: Một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để thao túng tâm lý, "đẩy giá tăng cao", "tạo giá ảo" gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm trục lợi; Thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa minh bạch dẫn đến tổ chức, cá nhân thiếu thông tin, có địa phương bị định hướng thông tin bởi một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản làm nhiễu loạn thông tin thị trường;

Một số chủ đầu tư dự án bất động sản lợi dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán bất động sản cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản để thu lợi; Kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường tại số khu vực làm tăng mặt bằng giá đất, giá nhà ở, bất động sản; Nguồn cung nhà ở, bất động sản hạn chế, đặc biệt là thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân có thu nhập trung bình, thấp và nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ngày 17/2 đã ký quyết định 110 ban hành kế hoạch thực hiện Công điện 130 năm 2024 của Thủ tướng về tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Thanh tra Bộ Xây dựng, Vụ Pháp chế, đơn vị liên quan phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện 9 nhiệm vụ chấn chỉnh thị trường bất động sản trong năm 2025.

Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hoặc các vụ việc có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân. Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thanh tra bộ phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng bất thường để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Trong kế hoạch vừa ban hành, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đôn đốc các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp theo quy định, thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở, khu đô thị làm nhà ở xã hội.

Hy vọng với sự vào cuộc sát sao của Chính phủ và các bộ ngành cũng như việc thực hiện thanh tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cò mồi thổi giá sẽ sớm đưa thị trường bất động sản trở về với giá trị thực để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Link gốc : https://phapluatphattrien.vn/gia-nha-cao-ngat-nguong-bo-xay-dung-vao-cuoc-thanh-tra-giai-phap-nao-de-thao-go-van-de-d3616.html

Bạn đang đọc bài viết Giá nhà cao ngất ngưởng, Bộ Xây dựng vào cuộc thanh tra: Giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề? tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc