Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có một loạt đề xuất các giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo HoREA cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ công bố "đại dịch Covid-19" và chỉ đạo "chống dịch như chống giặc", thì có thể coi là "trường hợp bất khả kháng" do thiên tai, địch họa; dẫn đến "trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng" theo Khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng. Trong tình thế như thời chiến thì đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó khác với giai đoạn bình thường trước đây".
HoREA đề xuất giảm lãi suất vay cho người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc. |
Trong gói hỗ trợ vừa qua, các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01 để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.
Do vậy, HoREA đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Không chỉ đối với người mua nhà, HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn tín dụng.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng song tuyệt đối không hạ chuẩn cấp tín dụng, không nới lỏng điều kiện vay vốn, để đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); giảm phí hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.
Ngoài ra, xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020; tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
Khánh Chi (TH)/SHTT