Môi giới rao bán rầm rộ, chủ đầu tư nói: 'không rao bán gì cả'
Dự án Louis City Hoàng Mai (54 Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Cổ phần phát triển đô thị Hoàng Mai – công ty “con” của Tập đoàn Lã Vọng làm chủ đầu tư. Đây được xem là một trong những mảnh “đất vàng” cuối cùng còn sót lại nằm trong trung tâm TP. Hà Nội. Chính vì vậy, mỗi m2 đất tại dự án này có giá “cao ngất ngưởng”, dao động trong khoảng 75-85 triệu đồng/1m2.
Hiện nay, dự án Louis City Hoàng Mai đang trong giai đoạn san nền, làm hạ tầng kỹ thuật, phía bên trong dự án thực chất là một công trường thi công rất ngổn ngang.
Phía bên trong dự án thực chất là một công trường thi công rất ngổn ngang. |
Đối chiếu quy định pháp luật hiện hành thì dự án này chưa đủ điều kiện để mở bán chính thức. Tuy nhiên, trên các trang mạng, diễn đàn bất động sản xuất hiện rầm rộ các thông tin rao bán sản phẩm phầm biệt thự, liền kề tại dự án này.
Hiện nay, có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin dự án được chào bán rầm rộ trên internet, rất nhiều website đang quảng cáo về dự án này.
Rất nhiều website đang quảng cáo chào bán Dự án Louis City Hoàng Mai. |
Không khó để nhận ra, dự án Louis City Hoàng Mai vẫn chưa có bất kỳ hạ tầng kỹ thuật nào được hoàn thiện. Dự án này đã bị “treo” suốt một thời gian dài. Gần đây được khởi động trở lại và rao bán rầm rộ, nhiều trang web, nhân viên môi giới đã chào mời khách đặt tiền mua nhà dù quá trình thi công mặt bằng chưa hoàn thiện, khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an.
Theo ghi nhận từ Dân Việt, từ đầu tháng 3/2020, các nhân viên "cò đất" đã thừa nhận, dự án chưa mở bán chính thức nhưng trước đó đã bán cho rất nhiều khách hàng dưới hình thức "Hợp đồng hợp tác đầu tư". Và chủ đầu tư cũng đã ký Hợp đồng mua bán (HĐMB) Nhà ở dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ với nhiều khách hàng trong tháng 5/2020.
Hỏi về thủ tục thanh toán, nhân viên môi giới đang bán dự án này cho biết, tiến độ thanh toán chia thành 4 đợt. Đơn cử, khi khách hàng có nhu cầu mua sẽ tiến hành đặt cọc 500 triệu đồng; sau 7 ngày kể từ ngày đặt cọc, khách hàng thanh toán đợt 1 gồm 50% tổng giá trị đất +100% phí dịch vụ, đồng thời khách hàng ký HĐMB và Hợp đồng dịch vụ; Sau 7 ngày kể từ khi ký HĐMB và thanh toán đợt 1 hoặc trước ngày 15/5, khách hàng thanh toán đợt 2 là 45 % tổng giá trị đất; Đợt 3 khi chủ đầu tư có thông báo bàn giao nhà, khách hàng thanh toán 95% tổng tiền xây dựng…
Ngoài ra, PV Vietnamnet còn được nhân viên CenLand gửi cho PV bảng giá đợt 1 của dự án Khu đô thị mới Hoàng văn Thụ - Louis City Hoàng Mai (áp dụng từ ngày 27/4/2020) thể hiện rõ giá trị từng lô đất.
Bảng hàng dự án Louis City Hoàng Mai. Theo đó, mỗi lô đất liền kề có tổng giá trị giao dịch là khoảng từ 10-12 tỷ đồng/lô tùy từng diện tích, vị trí. Điều đáng nói, khách hàng phải chịu khoản phí dịch vụ hàng trăm triệu đồng. |
Theo đó, đối với lô đất liền kề có diện tích 100m2 có tổng giá trị giao dịch là hơn 10,646 tỷ đồng nhưng giá trên hợp đồng là 10,344 tỷ đồng. Giá chênh hơn 302 triệu đồng được quy vào mục phí dịch vụ phải trả cho công ty môi giới.
Thế nhưng, khi trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai cho biết, hiện chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng công trình hạng mục hạ tầng kỹ thuật và khẳng định chủ đầu tư chưa bán và không rao bán gì cả.
Theo Khoản 1, Điều 55 của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng nêu rõ: Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Cty Luật Trường Sơn cũng cho biết, với các dự án nhà phân lô, thì chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng mới được phép rao bán, theo quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Với việc chào mời mua nhà tại dự án Louis City Hoàng Mai như trên, luật sư Tuấn cho biết đây là việc vi phạm pháp luật.
“Khách hàng đầu tư bất động sản cần hết sức thận trọng, bởi họ không được bảm đảm về mặt pháp lý nếu có rắc rối hoặc tranh chấp xảy ra. Đặc biệt sau dịch Covid-19, kinh tế chưa phục hồi, đầu tư vào các dự án chưa đủ cơ sở pháp lý là điều không nên làm. Nếu thực sự muốn đầu tư vào bất động sản, khách hàng nên tìm đến các luật sư hoặc cty luật uy tín để được tư vấn”, ông Tuấn nói.
Dự án từng dính hàng loạt sai phạm
Trong khi đó, Dự án Louis City Hoàng Mai trước đây vốn từng vướng nhiều “lùm xùm” liên quan đến năng lực tài chính yếu kém của đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Hoàng Mai cùng những “chiêu trò” được cho là cố tình “lách luật” để huy động vốn của đơn vị này tại thời điểm mà Sở Xây dựng Hà Nội thậm chí còn chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng liên quan đến dự án.
Tìm hiểu được biết, ngày 20/9/2004, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giao Công ty UDIC và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Hà Nội làm đồng chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, tỉ lệ 1/500.
Do thành lập quận Hoàng Mai nên đến năm 2007 Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Do Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Nội không tham gia liên danh thực hiện dự án nên UBND TP Hà Nội cho phép UDIC tiếp tục đầu tư dự án.
Năm 2011, UBND TP Hà Nội có quyết định cho phép đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, theo đó chủ đầu tư là UDIC, thời gian thực hiện trong 5 năm (dự kiến đến quý IV/2015). Tuy nhiên, do vướng mắc đền bù với một số hộ dân tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ dự án bị chậm tiến độ, "treo" cả chục năm qua.
Ngày 12/12/2017, UBND TP Hà Nội cho phép giao Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án từ quý IV/2016 đến quý IV/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với gần 700 căn nhà vườn, biệt thự.
Cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và cá đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội trong đó có dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Theo Thanh tra Chính Phủ, từ năm 2000 đến 2007, UDIC làm chủ đầu tư dự án nhưng mới triển khai được một số công tác chuẩn bị đầu tư (lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư).
"Năm 2011, UBND TP Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 90 của Chính phủ", kết luận thanh tra nêu rõ.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc năm 2017, Hà Nội tiếp tục phế duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của TP về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với quy định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Về việc GPMB, tổng diện tích thu hồi GPMB là 22,562 ha, kinh phí bồi thường GPMB tạm tính 528,8 tỉ đồng. UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 266 phương án bồi thường diện tích gần 15,1 ha đất nông nghiệp cho các hộ dân.
Đến thời điểm thanh tra, công tác GPMB của dự án được khoảng 11,25 ha với số tiền bồi thường là 309,764 tỉ đồng. Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai đã chi trả số tiền trên.
Diện tích đất chưa bồi thường GPMB là 11,312/22,562 ha, trong đó có khoảng 3.000 m2 bị lấn chiếm xây nhà trái phép gây khó khăn cho việc thống kê và bồi thường GPMB.
Về quản lí đất đai, theo Thanh tra Chính phủ, UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai buông lỏng quản lí đất đai và trật tự xây dựng để việc xây dựng trái phép, chia tách chuyển nhượng trên phần đất giải tỏa, gây khó khăn cho việc GPMB.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ