Đỏ mắt tìm kiếm căn hộ dưới 2 tỷ đồng
Suốt 2 năm dịch Covid-19, trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường bất động sản lại nổi lên như một điểm sáng. Trong đó, với phân khúc đất nền, liền kề, biệt thự từ trung tâm cho đến vùng ven Hà Nội đều tăng giá chóng mặt, có nơi tăng giá gấp đôi, gấp ba. Nhiều nhà đầu tư chỉ mua đi bán lại trong vòng 1 tuần, 1 tháng đã lãi tiền tỷ. Nhiều người lao vào phân khúc này và dùng đòn bẩy tài chính với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng gấp đôi.
Thế nhưng, thị trường sang năm 2022 gặp nhiều khó khăn khi tín dụng bị kiểm soát, nhà đầu tư không vay được ngân hàng khiến thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu tư tháo chạy, thoát hàng, thậm chí cắt lỗ để tìm phân khúc mới. Trong khi đó, phân khúc chung cư ở Hà Nội, do nguồn cung hạn chế, thời gian gần đây cũng liên tiếp bị đẩy giá, tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.
Chia sẻ với Tiền Phong, chị Nguyễn Hoa (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) suốt 3 tháng nay đi tìm căn hộ chung cư quanh khu vực quận Thanh Xuân, Cầu Giấy nhưng đành ngao ngán ở nhà cũ do giá chung cư đã bị đẩy lên quá nhanh.
“Con tôi chuẩn bị vào học lớp 1 nên muốn chuyển nhà sang quận có trường học tốt hơn. Với tài chính tầm khoảng 2 tỷ đồng, tôi không thể tìm được nhà chung cư vào thời điểm này. Trong khi chỉ cách đây 1 năm là tha hồ chọn nhà chung cư với diện tích 60m ở các quận”, chị Hoa nói.
Chị Hoa cho biết thêm, hiện, dự án nhà thương mại đang mở bán rất ít và giá bán ra đều trên mức 50 triệu đồng/m2 ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy. Cụ thể, dự án The Park Home Cầu Giấy do Công ty Handico 52 làm chủ đầu tư có giá trên 40 triệu đồng/m2 và Hanoi Melody Residences của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có giá gần 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thời gian gần đây chung cư thương mại đã bàn giao nhà từ 5- 10 năm, giá bỗng dưng tăng gấp đôi, thậm chí có vị trí tăng gần gấp 3.
“Tôi cũng tìm cả những nhà ở xã hội đã ở được 5 năm đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng giá đều từ 2,5 tỷ đồng trở lên cho căn hộ 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh tại dự án Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) trong khi giá gốc chỉ 1 tỷ đồng. Bất đắc dĩ, tôi tìm đến chung cư cũ và không khỏi sốc khi giá nhiều khu ở Cầu Giấy, Ba Đình cũng tăng cao gần gấp đôi trong khi hạ tầng không có gì”, chị Hoa thông tin thêm.
Anh Minh Trung (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi tháng trước bán được căn hộ chung cư 60m2 của mình với giá 2,1 tỷ đồng (mức giá tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm anh mua). Gia đình anh tính bán căn hộ chung cư để mua căn hộ 3 phòng ngủ nhưng khi tìm hiểu các dự án từ cũ đến mới, thì chi phí anh phải bỏ ra từ 3,5- 4,5 tỷ đồng/căn hộ.
“Bán nhà xong giờ tôi không thể mua được nhà. Nhà mình bán được giá cao thì chỗ khác cũng tăng. Nhìn giá chung cư mà tôi sốc. Hiện dự án mới ra hàng tại quận Đống Đa có giá lên tới 80 triệu đồng/m2. Hay như dự án mới ra tại đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) cũng có giá gần 60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trên tuyến đường này, các dự án cũ như Centerpoint, The Golden Palm... giá giao dịch lên tới gần 50 triệu đồng/m2. Đây là mức giá không tưởng so với cách đây vài năm giá bán chung cư tại đây chỉ khoảng 25- 32 triệu đồng/m2”, anh Trung nói.
Biến động trái chiều
Theo số liệu nghiên cứu thị trường mới đây của batdongsan.com.vn, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng tin đăng bán nhà đất tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên nhu cầu tìm kiếm lại giảm mạnh.
Đơn cử, tại thị trường Hà Nội, một số địa bàn nằm trong vùng sốt đất vào đầu năm 2021 như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm... mức độ quan tâm đến đất nền giảm 20 - 30%.
Ngay cả những khu vực nội thành vốn được đánh giá là “hot” nhất như: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng thì mức độ quan tâm về nhà ở riêng lẻ cũng giảm tương ứng: 24%, 28%, 25%, 11% và 15%.
Trái ngược với sự trầm lắng của phân khúc đất nền, phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội lại ghi nhận giá bán leo thang. Số liệu báo cáo từ CBRE Việt Nam cho thấy, phân khúc căn hộ đã lập đỉnh trong quý II/2022. Trung bình giá bán thứ cấp ở ngưỡng 1.293 USD/m2, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng ở thị trường Tp.HCM (tăng 4 - 5%).
Các dự án cao cấp ở một số quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình ghi nhận mức tăng trên 10% theo năm.
Nhu cầu tìm thuê căn hộ tăng 6%. Nhu tìm mua căn hộ tăng lần lượt 6% và 4% đối với phân khúc cao cấp, trung cấp và chỉ giảm nhẹ 3% ở phân khúc bình dân.
“Tại thị trường Hà Nội, căn hộ giá thấp đã biến mất hoàn toàn từ đầu năm 2021. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc cao cấp chiếm tới 55% nguồn cung mới của thị trường. Nhưng xét về tổng nguồn cung mới của các phân khúc thì lại giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung giảm sút, cùng với sự trượt giá vật liệu xây dựng đã đẩy giá nhà tăng cao”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam thông tin với VTC News.
Nói về sự tăng giá mạnh của chung cư tại Hà Nội thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng đây là điều tất yếu. Ở thời điểm nguồn cung rất hạn chế, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, lãi vay thực hiện dự án tăng lên buộc giá bán căn hộ tăng cao.
Thực tế gần đây, không có dự án chung cư mới được cấp phép, nguồn cung cho thị trường vẫn chủ yếu đến từ các dự án đang được triển khai và đang có xu hướng giảm. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà chung cư liên tục tăng.
Các chuyên gia dự báo, chung cư tại Hà Nội vẫn có xu hướng tăng giá trong những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, sức mua khó đạt được sự mạnh mẽ như trước vì thu nhập bình quân của người dân chưa bắt kịp với mức độ tăng của bất động sản. Mặt khác, nhóm đối tượng sử dụng đòn bẩy tài chính đang gặp nhiều khó khăn hơn khi chính sách hỗ trợ cho vay bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ.
Đẩy nhanh dự án nhà ở xã hội
Trao đổi với Tiền Phong về việc nguồn cung dự án ít gây áp lực khiến giá chung cư tăng cao, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, sắp tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh dự án nhà ở xã hội tập trung. Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng cho rằng triển khai các dự án hiện nay cũng gặp tình trạng "động đâu vướng đấy".
Để giải bài toán thiếu nguồn cung nhà ở, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ). Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.
"Hiện có 2 chính sách lớn về vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất là gói 15.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà. Thứ hai là các doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất cho vay", ông Dũng thông tin.
Tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 69.079 giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội cho rằng, chung cư ở Hà Nội nhu cầu thực luôn cao và giá thời điểm này cao hơn cũng phản ánh đúng quy luật cung-cầu. Theo vị này, cũng có chuyện môi giới bán hàng vin vào cớ nguồn cung hạn chế và tạo tâm lý khan hàng để đẩy giá chung cư lên cao