Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình

VIETQ 11:01 22/12/2021

Thời gian qua, dù đã có nhiều cải thiện, song giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn rất chậm.

  • Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ xử lý chất thải

Theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2021, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2021 đã hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu tháng 12/2021. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, dù đã có nhiều cải thiện, song giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn rất chậm.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư. Ảnh minh họa.

Trong đó, Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, được giao kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân đầu tư công của 6 địa phương: Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk. Theo tổng hợp của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết 30/11/2021, trong 6 tỉnh thành, giải ngân cao nhất chỉ đạt 70,11%; trong đó, có 2 tỉnh đạt dưới 60%.

Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đạt 64%, thì vẫn có tới 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; trong đó, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam và Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam còn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm, các địa phương chỉ ra nhiều khó khăn, chủ yếu do dịch bệnh, vướng mắc trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; thiếu nhân công, thiết bị; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tăng giá nguyên vật liệu xây dựng, phân bổ vốn và thực hiện dự án…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, trong cùng mặt bằng chính sách, cùng khó khăn chung, tỷ lệ giải ngân của các địa phương rất khác nhau, nhiều địa phương trên cả nước vẫn giải ngân tốt. Riêng trong 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 6, kết quả giải ngân cũng có nhiều khác biệt, có địa phương giải ngân ngân sách địa phương cao, ngân sách trung ương thấp, có địa phương thì ngược lại. Thực tế đó cho thấy, nguyên nhân chính là do tổ chức chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của từng vướng mắc, chỉ rõ vì sao vướng thì mới tháo gỡ được. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, hầu hết các địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021.

Qua kiểm tra, cả 6 tổ công tác cũng thống nhất quan điểm, trong chặng đua nước rút cần quyết liệt tập trung giải ngân, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

Tại cuộc họp gần đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các địa phương phải nỗ lực làm ngày làm đêm, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. “Phải phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, nhưng không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Link gốc : https://vietq.vn/tap-trung-giai-ngan-von-dau-tu-cong-di-doi-voi-dam-bao-chat-luong-cong-trinh-d195468.html

Bạn đang đọc bài viết Tập trung giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị