Giai đoạn trầm lắng
Theo Nhịp sống thị trường, đầu năm 2022, đất nền là phân khúc gây "náo loạn" thị trường bất động sản (BĐS) khi xuất hiện các cơn sốt cục bộ ở các địa phương. Trong đó, mặt bằng giá liên tục biến động; không chỉ đất thổ cư mà đất nông nghiệp, đất vườn đều tăng giá, hoạt động mua bán sôi động.
Tình trạng im ắng giao dịch chỉ xuất hiện từ cuối tháng 5/2022 khi chính sách thắt tín dụng được ban hành. Hoạt động mua bán bán đất nền ở các địa phương gần như "im ắng". Trong đó, xuất hiện tình trạng bán dưới giá vốn trên thị trường thứ cấp ở một số dự án, nhà đầu tư áp lực tài chính. Tuy vậy, có thực tế là thị trường BĐS không xuất hiện tình trạng bán tháo, cắt lỗ ồ ạt ở phân khúc đất nền. Đây cũng là điểm tương đồng với thị trường giai đoạn dịch Covid-19 hành hoành giữa năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ.
Chia sẻ với Infonet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho biết, giao dịch trên thị trường bất động sản rất chậm ở hầu hết các phân khúc, kể cả các phân khúc đất nền.
“Hiện chủ yếu là các giao dịch về nhu cầu ở thực tại các trung tâm thành phố lớn. Vừa qua chung cư tăng giá khá mạnh, nguồn cung phục vụ nhu cầu ở thực tế lại không có nhiều nên mới có chuyện tăng giá.
Thị trường đầu tư rất chậm, không có sản phẩm bán ra nhiều, không có giao dịch cả trên thị trường thứ cấp, thị trường vô cùng ảm đạm”, ông Toản nói.
Nguyên nhân theo ông Toản do sự suy giảm của thị trường tài chính kéo theo thị trường bất động sản; nguồn tiền từ ngân hàng cũng bị "siết" cho vay; room tín dụng của các ngân hàng gần như hết… những yếu tố đó gây sự trì trệ cho thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản sẽ không "nở hoa" mà "ngủ đông" từ nay đến cuối năm; hiện không có tín hiệu gì cụ thể để thị trường tốt lên.
Luật Đất đai sửa đổi dự kiến tháng 10 sẽ thông qua, kinh tế thế giới cũng đang xảy ra lạm phát; nền kinh tế chung đang suy thoái trên thế giới… thị trường bất động sản bị tác động trực tiếp từ những hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là thị trường tài chính.
Nhà đầu tư dễ thở hơn
Theo Nhịp sống thị trường, hiện tại, các thông tin về nới tín dụng đang tạo hiệu ứng tích cực với thị trường BĐS, trong đó có phân khúc đất nền. Một số chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm rất có thể xuất hiện "sóng" ở phân khúc này. Tuy nhiên, "sóng" đất nền không lan rộng mà ở một số khu vực có mặt bằng giá còn mềm.
Theo một nhà đầu tư đất nền lâu năm sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM, hiện tại, thông tin nới room tín dụng đã khiến tâm lý các nhà đầu tư "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, việc nhộn nhịp giao dịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện, việc nới tín dụng cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, và không phải dành riêng cho BĐS. Theo nhà đầu tư này, đầu tư, mua bán đất nền thì luôn có nhu cầu trên thị trường. Tuy nhiên, việc vay vốn để đầu cơ, lướt sóng sẽ gặp khó trong thời gian tới, kể cả việc vay vốn để sử dụng vào mục đích này.
Cũng theo nhà đầu tư này, "sóng" đất nền có thể xuất hiện âm thầm ở một số khu vực, dự án, chứ không diễn biến trên toàn thị trường. Đặc biệt, một số khu vực đã từng "nóng sốt" đầu năm 2022 có thể tái sốt, nhưng mức độ biến động giá cũng như giao dịch sẽ không bằng hồi đầu năm. "Giá đất nền cuối năm có thể biến động tăng thêm 5-10% (tuỳ khu vực) so với mức giá đầu năm; hoạt động mua bán sẽ nhộn nhịp ở một số khu vực giá đất nền còn mềm, hướng vào loại hình đất vườn, đất nông nghiệp", nhà đầu tư này chia sẻ.
Trước đó, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, sau dịch giá đất sẽ tăng lại, ít nhất là 10-20% hoặc hơn nữa vào cuối năm 2022. Sẽ có làn sóng nhỏ đầu tư đất nền vào cuối năm. Theo vị chuyên gia này, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào BĐS. Cho nên, tâm lý của nhiều người là muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm ngôi nhà thứ 2, nhà vườn…là xu hướng dễ thấy.
Chia sẻ trên báo Xây Dựng, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dòng tiền trục trặc làm ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng quan trọng của thị trường bất động sản. Cụ thể như nhà phát triển bất động sản, hơn 30 ngành nghề liên quan và khách hàng có nhu cầu mua bất động sản.
Ông Đính cho rằng, cùng với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch... 2 lực đẩy này sẽ quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm nay.