Nếu thực hiện đúng trình tự kỹ thuật, tổ phi công Vietjet sẽ được trả lại bằng lái
Sự cố xảy ra khoảng 12h30 ngày 14/6, chiếc A321neo mang số hiệu VJ322 từ Phú Quốc đến TP.HCM, trên đường lăn vào nhà ga đã trượt khỏi đường băng 07L-25R của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và dừng lại trên thảm cỏ.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các đơn vị khác để đưa toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn vào nhà ga an toàn. Các hành khách khi nhận lại hành lý cũng đã ra về như bình thường.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã phải tạm dừng công tác phục vụ khảo sát của đường băng 25R/07L để mở lại đường băng này và đảm bảo 17h30 chiều cùng ngày khai thác bình thường.
|
Nếu nguyên nhân sự cố là do nổ lốp máy bay bất ngờ còn phi công thực hiện đúng trình tự kỹ thuật, tổ phi công sẽ được trả lại bằng lái và hoạt động của các nhân sự khôi phục bình thường. |
Theo Vietjet, tình huống máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng do ảnh hưởng của thời tiết xấu, mưa lớn là có thể xảy ra trong ngành hàng không. Một cán bộ ngành hàng không cũng xác nhận máy bay hạ cánh đúng thời điểm mưa to, gió lớn.
Tuy nhiên, về độ cao trần mây, tầm nhìn vẫn bảo đảm cho máy bay hoạt động bình thường. Còn về nguyên nhân tại sao máy bay trượt ra khỏi đường băng thì phải chờ điều tra. Có thể do gió lớn, phi công không điều khiển tốt hoặc là do nổ lốp hay do đường băng trơn.
Nếu nguyên nhân sự cố là do nổ lốp máy bay bất ngờ còn phi công thực hiện đúng trình tự kỹ thuật, tổ phi công sẽ được trả lại bằng lái và hoạt động của các nhân sự khôi phục bình thường. Ngược lại, 2 phi công sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.
Vietjet và các sự cố hàng không
Tuy nhiên, với Vietjet, thì đáng buồn thay, đây là hãng bay "đóng góp" khá nhiều sự cố hàng không trong thời gian qua.
Hẳn dư luận vẫn còn nhớ câu chuyện chỉ trong thời gian ngắn, VietJet Air đã có 7 sự cố khai thác tàu bay. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phải kí chỉ thị hoả tốc về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không đối với các chuyến bay của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VietJet Air).
Trong 7 sự cố đó, có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.
|
Đặc biệt, trong tháng 12/2018 đã xảy ra hai sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air. Với chuyến bay VJ356 ngày 29/11/2018, trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống cảng hàng không Buôn Ma Thuột, hai bánh càng mũi đã bị rơi ra khỏi tàu bay. Còn chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018 đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.
Trong ngày 25/12, chuyến bay VJ861 cũng của Vietjet Air hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp.HCM), sau khi tàu bay cất cánh khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan). Nguyên nhân được cho là do cảnh báo cháy giả.
"Tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và của hãng hàng không Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách tham gia bằng đường hàng không. Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua", chỉ thị nêu rõ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ