Dự báo kinh tế Việt Nam 3 tháng cuối năm 2019

DTVN 13:53 08/10/2019

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra nhận định về các mục tiêu kinh tế của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm 2019 với đầy tín hiệu lạc quan...

Cụ thể, công ty này cho biết, Việt Nam có nền tảng vững chắc hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng 2019 đồng thời có dư địa chính sách để ứng phó với biến động thế giới trong tương lai.

Được biết, tại báo cáo kinh tế quý III/2019 mới đây, tốc độ tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam tăng mạnh 7,31% đưa mức tăng trưởng 9 tháng lên cao nhất trong 9 năm, đạt 6,98%. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là trụ cột với mức tăng 9,3% và 6,9%, đóng góp lần lượt 52,6% và 42,6% cho mức tăng trưởng 9 tháng.

BSC nhận xét ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP cũng đã lấy lại được đà sau khi chững lại vào quý II trong khi yếu tố vĩ mô cũng đang thuận lợi, hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong năm 2019.

CPI tháng 9 tăng 0,32%, CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%. Chỉ số giá USD giảm 0,49% so tháng 12/2018 nhờ thặng dư thương mại, dòng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) và FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) khá dồi dào.

Tổng kim ngạch hàng hóa tăng 8,2% và xuất siêu khoảng 5,9 tỷ USD. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,4%, thấp hơn 0,3% so cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách duy trì ổn định trong khi chi ngân sách vẫn chậm so với tiến độ. Với những động lực tăng trưởng tích cực và vĩ mô ổn định dự báo tốc tăng trưởng GDP sẽ vượt mục tiêu 6,6% -6,8% - BSC nhận định.

Đơn vị này cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm và những nguy cơ khó lường từ cuộc chiến thương mại, căng thẳng leo thang tại Trung Đông, nguy cơ Brexit không thoả thuận, Việt Nam vẫn là ngôn sao sáng trong khu vực và quốc tế.

Phân tích thêm, BSC cho rằng với xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra rộng khắp trên quy mô toàn cầu sẽ khiến giúp cho dòng tiền dồi dào hơn và có khả năng quay lại khu vực mới nổi. Và nếu khả năng xảy ra thì Việt Nam sẽ có cơ hội thu thu hút dòng vốn ngoại vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhờ tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định.

Dù vậy sự suy yếu của nền kinh tế thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những căng thẳng địa chính trị là các yếu tố khiến thị trường biến động mạnh và khó lường.

Về mặt nội tại, tăng trưởng kinh tế mạnh và kinh tế vĩ mô ổn định hỗ trợ tích cực cho hoạt động đầu tư ở Việt Nam, đồng thời, sẽ là nền tảng để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm nay, đồng thời ứng phó với những biến động phức tạp từ bên ngoài.

Thủ tướng chỉ ra thách thức của nền kinh tế 3 tháng cuối năm

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%.

Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu huỷ, đàn lợn giảm gần 20%.

Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực cũng gặp khó, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại không như kỳ vọng.

Thủ tướng đánh giá, "Các cấp, các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn lớn chưa vào lúc này như chúng ta dự đoán”.

Một tồn tại nữa là một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành.

Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao thì nhiều mặt hàng chủ lực giảm nhất là nông sản do giá giảm mạnh. Do đó, vấn đề tìm thị trường mới, cơ cấu lại thị trường… cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, “Tuyệt đối là chúng ta không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020”.

Theo Thời báo chứng khoán

Bạn đang đọc bài viết Dự báo kinh tế Việt Nam 3 tháng cuối năm 2019 tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất