Đợt họp 1 của kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (từ 20/10) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 11 ngày làm việc và kết thúc vào ngày 30/10.
Ngày 8/11, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ 2. Một trong những nội dung quan trọng của đợt họp là Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Cụ thể, từ sáng 10/11 đến hết sáng ngày 12/11, Quốc hội sẽ tiến hành nội dung này. Các vấn đề được đề cập ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực: Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo.
Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về vấn đề mà đại biểu quan tâm sẽ chất vấn tại nghị trường tới đây, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết bà quan tâm đến hai vấn đề.
Thứ nhất, thuộc về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ LĐTB&XH, liên quan đến các gói hỗ trợ Covid-19 cho doanh nghiệp và cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
“Vừa qua, chúng ta triển khai rất nhiều gói hỗ trợ, trên thực tế các gói hỗ trợ cũng đã phát huy được tác dụng hỗ trợ cho cá nhân và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo dư luận và cử tri gói hỗ trợ thứ ba từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp có vẻ như triển khai hơi tràn lan, đối tượng hơi rộng. Bởi, những người nào đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định sẽ được hưởng gói hỗ trợ này. Có những người đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhưng họ không thất nghiệp, không bị ảnh hưởng mà hỗ trợ thì ý nghĩa của việc hỗ trợ không lớn, đối tượng hỗ trợ tràn lan khiến cho việc tiêu một khoản ngân sách rất lớn, mà hiệu quả hỗ trợ chưa được như mong muốn. Từ thực tế này, cử tri bày tỏ cần phải rà soát, xem lại gói hỗ trợ này.
|
Tôi cũng rất muốn chất vấn Bộ trưởng, bởi lẽ Covid không phải ngày một ngày hai chấm dứt, thời gian tới có lẽ chúng ta cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp khác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid. Vì vậy, cho nên trước khi hoạch định chính sách cần phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng để làm sao hỗ trợ một cách hiệu quả nhất”, đại biểu Nga bày tỏ.
Vấn đề thứ hai đại biểu Nga muốn chất vấn liên quan đến Bộ GD&ĐT. Theo đại biểu Nga, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.
“Dịch Covid không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn đến học sinh sinh viên, phải chuyển hình thức dạy trực tiếp sang trực tuyến trong thời gian khá dài. Có thể, trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục hình thức dạy học trực tuyến cả cấp tiểu học cho đến đại học. Vậy, ngành GD&ĐT sẽ có những chỉ đạo như thế nào để thích ứng tốt hơn với việc dạy và học trực tuyến?”, đại biểu Nga cho hay.
Đại biểu Nga thông tin, việc dạy trực tuyến không phải giáo viên nào cũng thành thạo ngay. Theo phản ánh của các cử tri là các giáo viên thì có quá nhiều phần mềm, có quá nhiều các chương trình tập huấn cho việc dạy trực tuyến.
“Vậy đòi hỏi Bộ GD&ĐT một là phải thống nhất chương trình, hai là phần mềm các lớp tập huấn cũng phải thống nhất, còn mở nhiều thì giáo viên rất hoang mang. Thậm chí, giáo viên phản ánh là dạy trực tuyến mệt hơn dạy trực tiếp rất nhiều. Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT có sự nghiên cứu và có kết cấu chương trình như thế nào cho hợp lý”, nữ đại biểu này bày tỏ.
Từ hai vấn đề quan tâm nêu trên, đại biểu Nga mong muốn các Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề, có những giải pháp cụ thể triển khai trong thời gian tới cho hiệu quả nhất.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên – Huế) cho biết bà quan tâm toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội.
“Vấn đề tôi quan tâm nhất trong kỳ chất vấn này đó là vấn đề y tế, công tác phòng chống dịch làm sao có giải pháp tối ưu từ Bộ Y tế trình Chính phủ, từ Chính phủ trình Quốc hội, cũng như ý kiến của các ĐBQH để đẩy lùi càng nhanh càng tốt tình trạng lây lan dịch ra các tỉnh thành”, đại biểu Sửu bày tỏ.
Đại biểu Sửu cũng kỳ vọng, với thời gian chất vấn 2,5 ngày không khí chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, hiệu quả, tạo được dấu ấn. Đồng thời, nâng cao được trách nhiệm của các Bộ trưởng, các bộ ngành liên quan đến các nội dung được đưa ra chất vấn lần này.
Trước đó, trao đổi với báo chí chiều 30/10 về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nội dung chất vấn kỳ này vẫn theo hình thức hỏi nhanh-đáp gọn. Người chất vấn nêu câu hỏi trong 1 phút, người trả lời chỉ có 3 phút cho mỗi câu hỏi. Dù chỉ có 4 Bộ trưởng được lựa chọn đăng đàn, nhưng nếu đại biểu có chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng khác thì những Bộ trưởng này vẫn có trách nhiệm trả lời.
Nhiều nội dung quan trọng tại tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 2
Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Nội dung này sẽ tiếp tục được bàn thảo trong ngày thứ 3 (9/11).
Trong 2,5 ngày tiếp theo, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Các nội dung thảo luận về kinh tế- xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.
Quốc hội sẽ biểu quyết 2 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết.
Tại phiên họp bế mạc kỳ họp chiều 13/11, được truyền hình, phát thanh trực tiếp, Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 2.