Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, trao đổi hàng hóa, các nước cũng cần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích quốc gia. Để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng được hoàn thiện.
Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhà nước đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu lực từ 01/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (có hiệu lực từ 1/8/2008). Đây là các luật chuyên ngành về chất lượng SPHH với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ, hệ thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành và áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các thông lệ, cam kết quốc tế liên quan.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù vấn đề chất lượng SPHH ngày càng được đề cao với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế tại một số lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít tồn tại.
Một trong những vấn đề được chỉ ra là việc thực hiện quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung còn bất cập, như: nhiều sản phẩm có giá thành cao hơn so với giá thị trường, chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu thầu ngày càng canh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất tham gia đấu thầu cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp cần phải duy trì thường xuyên và tăng cường là áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Đây là những điều kiện cần thiết, là tiền đề đáp ứng các yêu cầu luật định, yêu cầu của chủ thầu, tạo lợi thế cạnh tranh trong đấu thầu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế tại không ít đơn vị vẫn xảy ra tình trạng "lách luật". Không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật và quy định của nhà nước liên quan đến công tác đầu thầu về sản phẩm, hàng hóa.
"Thổi" năng lực?
Gói thầu số 5-TBN20: Xây lắp Dự án: Cải tạo, nâng cấp, giảm tổn thất điện năng và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải các TBA phân phối phía Tây TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh năm 2020.
Trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự, chủ đầu tư quy định: “Nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng 5 năm trở lại, tính đến thời điểm đóng thầu. Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc nhiều hơn 2, ít nhất có 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3.160.000.000 VNĐ, tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ 6.320.000.000 VNĐ. Phân cấp công trình: Công trình công nghiệp. Loại công trình năng lượng. Cấp công trình cấp III”.
Ngoài ra, Điện lực Bắc Ninh yêu cầu: Mỗi hợp đồng tương tự kèm theo các tài liệu: Hợp đồng đầy đủ; Biên bản nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và/hoặc biên bản thanh lý hợp đồng, và/hoặc xác nhận hoàn thành hợp đồng của chủ đầu tư.
Tham gia dự thầu gói thầu trên, tại Hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp kê khai 2 hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực kinh nghiệm thi công công trình, trong đó có hợp đồng tương tự số 97/2018 HĐXL – PCTN ngày 29/5/2018. Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp kê khai kê khai là công trình năng lượng cấp III.
Tuy nhiên, về năng lực kinh nghiệm tại HSDT, theo tài liệu chúng tôi có được công trình thuộc hợp đồng tương tự số 97/2018 HĐXL – PCTN ngày 29/5/2018 Gói thầu số 4a: Đấu thầu tập trung xây lắp và cung cấp vật tư còn lại, là công trình cấp IV (cấp thấp hơn cấp III mà bên mời thầu yêu cầu) mà nhà thầu đã thực hiện thi công trước đó. Năng lực kinh nghiệm HSDT đã giúp Công ty Cổ phần dịch vụ và xây lắp nghiễm nhiên được công nhận là hợp lệ. Kết quả, Công ty Cổ phần dịch vụ và xây lắp trúng thầu Gói thầu trên với giá trúng 4.295.889.535 VNĐ.
Theo một chuyên gia đấu thầu, Khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu, việc nhà thầu trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu. Nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Được biết, ngoài gói thầu trên, Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp tham gia dự thầu ở Điện lực Bắc Ninh và trúng thầu các gói thầu như: Gói thầu số 4-ĐBTT.09: Xây lắp Dự án: Cải tạo, nâng cấp, giảm tổn thất điện năng và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải các TBA phân phối khu vực phía Đông Bắc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh năm 2021; Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp trúng thầu với giá 3.339.778.506 VNĐ;
Gói thầu số 3-HNK-21: Xây lắp Dự án: Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới điện trung áp 35kV và 22kV sau các TBA 110kV Hanaka (E27.19); Châu Khê 2 (E27.11); Tiên Sơn (E27.1); TPBN (E27.21) và Võ Cường (E7.4) theo phương án đa chia đa nối (MDMC); Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp trúng thầu với giá 4.521.285.528 VNĐ.
Hồ sơ mời thầu đi ngược quy định
Nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, pháp luật cũng quy định những hành vi bị cấm. Một trong những hành vi đó là nêu yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa trong HSMT đối với các gói thầu xây lắp, hỗn hợp, mua sắm hàng hóa khi áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế theo quy định.
Cụ thể, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;...
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, HSMT không được nêu yêu cầu về xuất xứ cụ thể của hàng hóa. HSMT/Hồ sơ yêu cầu không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…
Tuy nhiên, tại HSMT một số gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước của Điện lực Bắc Ninh đã đi ngược lại quy định trên.
Đó là Gói thầu số 02: Xây lắp Sửa chữa các tuyến đường dây trung, hạ thế khu vực huyện Thuận Thành, Quế Võ (Công ty TNHH tư vấn và đầu tư GI trúng thầu: 6.712.298.060 VNĐ). HSMT các thông số chính của thiết bị chống sét thông minh, bên mời thầu yêu cầu: Nhà sản xuất Streamer, Xuất xứ Russia.
Tương tự, ở Gói thầu số 4-ĐK22: Xây lắp thuộc Dự án: Xây lắp thuộc dự án Xuất tuyến 35kV sau TBA 110kV Đại Kim (Công ty TNHH điện Sông Thương trúng thầu: 3.968.298.107 VNĐ); HSMT phần Chống sét van yêu cầu: Cooper (Mỹ), Siemen (Đức), DTR (Hàn Quốc). Với cầu dao 35kV yêu cầu nhập ngoại: Hàn Quốc, Ấn Độ, CH Séc hoặc trong nước Tuấn Ân, Đông Anh, Đông Hưng.
Được biết, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn thiết bị thống nhất trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc do Tổng Công ty ban hành, với van chống sét, cầu dao… cũng không đưa nhãn hiệu, xuất xứ vào HSMT. Công văn do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc gửi các Công ty Điện lực thành viên ngày 17/4/2018 đã yêu cầu thực hiện nghiêm túc áp dụng Bộ tiêu chuẩn lựa chọn thiết bị thống nhất trong NPC và các quy định hiện hành, tiêu chuẩn khác có liên quan trong lập HSMT, nhưng không hiểu vì lý do gì Điện lực Bắc Ninh không thực hiện.
Chỉ thị số 2937/CT-EVN ngày 6/6/2019 về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại mục 4 nêu rất rõ: Đối với công tác đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất và công tác thẩm định các nội dung trong đấu thầu phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất.
Cùng với việc lập HSMT không phù hợp quy định pháp luật đầu thầu và của NPC, EVN, những dấu hiệu vi phạm của nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần dịch vụ và xây lắp, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của Công ty Điện lực Bắc Ninh đến đâu? Liệu có đảm bảo chất lượng công trình hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.