Nhìn lại 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011 - 2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020. Kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Bộ Công thương, để phát huy thành quả xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 năm qua, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vừa được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg (ngày 19/4/2022) được thực hiện trên 3 quan điểm cơ bản xuyên suốt.
Đầu tiên là tập trung vào phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chiến lược chú trọng vào phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.
Quan điểm tiếp theo là phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.
Mục tiêu tiếp theo là cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng chỉ ra xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hoà. Đặc biệt, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Đáng lưu ý, Chiến lược đưa ra mục tiêu tăng tỷ trọng xuất nhập khẩu cụ thể tại các khu vực. Theo đó, tăng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.
Đối với nhập khẩu, sẽ tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030. Riêng thị trường châu Á sẽ giảm tỷ trọng xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Điểm mới trong giải pháp thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 cũng được chỉ rõ: Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, điểm mới là các giải pháp xúc tiến nhập khẩu và việc xem xét hạ dần hàng rào bảo hộ để tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu; đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số..