Sáng 15/6, phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước để phát triển.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch nhờ có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Hiện mới chỉ có 334 người mắc bệnh, thấp hơn nhiều so với mốc 1.000 lúc thế giới công bố dịch.
|
Theo ông Nhân, Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam. Do vậy, cần giám sát và mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên.
Ông Nhân dự báo, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2020, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc…
“Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ đảm bảo điều kiện thì thiết lập ngay”, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM lưu ý.
Bí thư TP.HCM cho biết, số liệu từ các cơ quan dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%. Đầu tư nước ngoài có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 15%...
Từ đây, ông kiến nghị với kết quả chống dịch của Việt Nam cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3,4 người; tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân thực tế chỉ 0,2 người và đến thời điểm này Việt Nam không có người chết.
"Tóm lại, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, để vừa khai thác thị trường nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, thị trường trong nước phát huy sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế", ông Nhân kết luận.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ