|
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại bệnh viện ở ngoại ô Athens, Hy Lạp, ngày 20/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thống kê trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước đó, trong tuần từ 20-26/1, thế giới đã ghi nhận 101.366 ca tử vong, tương đương 14.000 ca tử vong/ngày, mức được coi là tuần tồi tệ nhất của thế giới kể từ khi dịch bệnh bùng tại Trung Quốc cuối năm 2019. Theo thống kê của WHO, số ca tử vong theo ngày trên toàn thế giới đã tăng đáng lo ngại trong những tháng qua. Cho tới cuối tháng 11/2020, thế giới chạm mốc 10.000 ca tử vong/ngày. Số ca tử vong trung bình hằng ngày của thế giới tiếp tục tăng lên 11.000 ca/ngày vào giữa tháng 12, tăng tiếp lên 12.000/ ngày vào thời điểm 8/1 và chỉ 3 ngày sau đó tăng tiếp lên 13.000/ngày. Đến ngày 26/1, con số này đã tăng lên tới 18.000 ca/ngày.
Trong tuần qua, chỉ tại 5 quốc gia, số ca tử vong được ghi nhận đã lên tới hơn 101.000. Đứng đầu danh sách này là Mỹ, với 23.675 ca, nâng tổng số người chết của nước này lên 425.227 người. Bốn nước còn lại là Mexico, Anh, Brazil và Đức.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện truyền thông ngày 27/1, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho rằng nhân loại sẽ không thua trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và thế giới cuối cùng sẽ chinh phục cuộc chiến này. Theo bà Kerkhove, dù số ca tử vong hàng ngày trên toàn cầu lần đầu tiên tăng lên 18.000 ca/ngày và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan truyền nhanh trên toàn cầu, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta đang thua trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong cuộc chiến của cuộc đời. Chắc chắn không phải chúng ta đang chiến đấu với nhau, chúng ta đang chiến đấu với virus... trong đó có cả các biến thể mới. Chúng ta có thể và chúng ta sẽ chiến thắng virus này".
Trong cuộc "tranh giành" vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, các quốc gia giàu đang đẩy mạnh tiêm chủng cho người già và nhân viên y tế trong khi các nước nghèo hơn phải chờ đợi chưa biết đến khi nào mới nhận được những liều đầu tiên.
Theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan, việc các quốc gia giàu bắt đầu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trong khi nhân viên y tế và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở nhiều nước khác vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm là điều không thể chấp nhận được. Ông nói: "Đơn giản là chúng ta không thể để xảy ra tình trạng nhân viên tuyến đầu, nhân viên y tế phải mạo hiểm với cuộc sống của họ mỗi ngày". Ông nhấn mạnh: "Tại các nước phát triển, nếu để xảy ra tình trạng người hoàn toàn khỏe mạnh được tiêm vaccine trong khi những nhân viên tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương không được tiêm, thì đó được cho là không công bằng. Hãy chia sẻ điều đó ngay bây giờ, để đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao nhất được bảo vệ. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ kết thúc vấn đề nhanh hơn".
Theo TTXVN