Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề
Thông tin trên Nhịp sống kinh tế cho biết, Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu A.T. Kearney đã công bố chỉ số Reshoring Index (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) thường niên lần thứ 7 cho thấy sự đảo ngược đầy kịch tính. Sản phẩm nội địa Mỹ năm 2019 chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được nghiên cứu. Sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năm ngoái, các công ty đã chủ động cân nhắc lại về chuỗi cung ứng của họ bằng cách thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời nhà máy đến Đông Nam Á để tránh thuế quan hoặc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.
"Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí thấp. Cuộc chiến thương mại đã mang đến một khía cạnh thứ hai làm cân bằng bài toán của các nhà sản xuất. Đó là rủi ro khi thuế quan và mối đe dọa hàng gia công nhập khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn. Các công ty phải đưa rủi ro lên bàn cân cùng với các lợi ích về chi phí. Covid-19 mang đến một khía cạnh thứ ba lần đầu tiên xuất hiện, và đầy đủ hơn: khả năng phục hồi (khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được)", theo Patrick Van den Bossche, tác giả của Báo cáo Kearney chia sẻ.
Năm 2020, cuộc chiến thương mại dường như tạm dừng. Đáng buồn thay, nó đã nhường chỗ cho một đại dịch toàn cầu xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
|
Covid-19 đóng băng nền kinh tế phương Tây và tạo ra ác mộng tại Trung Quốc? |
"Cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Hoa Kỳ bắt đầu cân nhắc và định hình lại mạng lưới cung ứng của họ"
Không chỉ vậy, các công ty không thể có được nguồn cung trực tiếp trong tháng 2 và đầu tháng 3 do các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, khiến doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bị đình trệ.
Khi Trung Quốc bắt đầu vực dậy và phục hồi nền kinh tế, Hoa Kỳ đã bị hạ đo ván bởi Covid-19 do tốc độ lây lan nhanh chóng của virus. Ngay cả khi Trung Quốc đang được phục hồi, Hoa Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong vũng lầy dịch bệnh.
Báo cáo Kearney dự đoán các công ty sẽ buộc phải tính xa hơn trong việc lên kế hoạch tìm nguồn cung ứng cho mình.
Chỉ số đa dạng hóa Trung Quốc (CDI) của Kearney theo dõi sự thay đổi trong nhập khẩu hàng hóa gia công của Hoa Kỳ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng quốc gia này ngày càng mất thị phần trong những năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ.
Trong số 31 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã rời khỏi Trung Quốc, khoảng 46% đã được Việt Nam thay thế, đôi khi bởi chính các nhà sản xuất Trung Quốc nhưng đã rời khỏi Trung Quốc đại lục. Việt Nam đã xuất khẩu thêm 14 tỷ đô la hàng hóa gia công sang Hoa Kỳ vào năm 2019 so với năm 2018 do sự thay đổi này.
Trong năm nay, Kearney cho ra mắt tỷ lệ thương mại gần xa (NTFR). Tỷ lệ này theo dõi sự dịch chuyển của hàng nhập khẩu Hoa Kỳ sang các khu vực sản xuất gần Mexico.
Kể từ năm 2013, NTFR dao động ổn định giữa mức 36% và 38%, có nghĩa là với mỗi đô la hàng hóa gia công từ châu Á thì có khoảng 37 đô la hàng hóa gia công nhập khẩu đến từ Mexico.
Điều đó đã thay đổi sau khi Hiệp định USMCA được ký. Trên cơ sở giá trị đồng đô la, tổng nhập khẩu sản xuất từ Mexico sang Mỹ đã tăng 10% trong giai đoạn 2017-2018, từ 278 tỷ đô la lên 307 tỷ đô la, và thêm 4% từ năm 2018 đến 2019, với tổng giá trị nhập khẩu là 320 tỷ đô la, dựa trên báo cáo Kearney.
"Cánh cửa cho những kẻ nổi dậy này đã được mở ra rõ ràng bởi các tranh chấp thương mại đang diễn ra ở Hoa Kỳ, vì lợi ích của các quốc gia này chủ yếu đến từ các loại sản phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế quan", Yuri Castano, giám đốc Kearney chia sẻ. "Rõ ràng, cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Hoa Kỳ bắt đầu cân nhắc và định hình lại mạng lưới cung ứng của họ".
Các công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc do cuộc chiến thương mại, và đại dịch Covid-19 cũng buộc họ phải cân nhắc phân tán chuỗi cung ứng để tránh rủi ro. Những người hưởng lợi chính của việc này được cho là các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn, đặc biệt là Việt Nam.
Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng?
Thông tin từ Khoa học và Phát triển cho biết, ông David Dodwell, giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu chính sách thương mại Hồng Kông-APEC, ảo tưởng về sự di chuyển bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á có phần xuất phát từ chỗ không tính đến sự khác biệt lớn về quy mô của Việt Nam - hoặc bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào khác ở Nam hoặc Đông Nam Á - với Trung Quốc.
Tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam năm 2018 lên tới 245 tỷ USD - nhỏ hơn 55 lần so với Trung Quốc, 13,6 nghìn tỷ USD. Trung Quốc có 15 tỉnh có GDP lớn hơn Việt Nam về sức mua tương đương, 8 tỉnh lớn hơn gấp đôi.
Trung Quốc có lực lượng sản xuất khoảng 800 triệu, so với 55 triệu của Việt Nam. Trong năm 2017, thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc là khoảng 28,2% - so với 17,2% của Mỹ và 0,27% của Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng Việt Nam để hỗ trợ các nhà đầu tư vẫn còn mong manh và kém hơn so với Trung Quốc. Công suất phát điện của Việt Nam là khoảng 41 triệu kilowatt, so với 1,65 tỷ kilowatt của Trung Quốc. Việt Nam có tổng cộng 2.600km đường sắt, so với Trung Quốc là 131.000km, trong đó 29.000km là đường sắt cao tốc.
“Nói tóm lại, nhiều tỉnh riêng lẻ của Trung Quốc có khả năng hấp thụ sản xuất nước ngoài tốt hơn Việt Nam. Các công ty quốc tế tìm cách đa dạng hóa khỏi Khu vực Vịnh lớn, Thượng Hải hoặc Thiên Tân đang xem xét các tỉnh lớn này trước khi họ xem xét các nền kinh tế nhỏ ở Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng sản xuất tương đối mong manh,” Dodwell viết trên SCMP.
Bên cạnh đó, bài viết của Dodwell trên SCMP cũng chỉ ra rằng các công ty toàn cầu không chỉ đầu tư nhiều vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, mà họ còn để mắt tới thị trường tiêu dùng khổng lồ của nước này. “Đối với General Motors, công ty sản xuất và bán 40% ô tô của mình tại Trung Quốc, hoặc Apple, sản xuất hầu hết iPhone của họ ở Trung Quốc và châu Á, chiếm một phần ba doanh số của công ty, việc di dời không chỉ vô nghĩa mà còn hủy hoại công ty.”
“Các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam đang tham gia các chuỗi cung ứng, và điều này chỉ có thể là tốt. Nhưng thật ngây thơ và sai lầm nếu nghĩ Trung Quốc sẽ mất đi vai trò không thể thiếu của mình,” theo Dodwell.
Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ