Công ty Cơ khí Hà Nội do ông Phan Phạm Hà điều hành bị cho là lỗ liên tục trong 3 năm qua và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, khiến Bộ Công thương yêu cầu ngưng quy trình bổ nhiệm ông Hà làm Tổng giám đốc VEAM để xác minh.
Yêu cầu ngưng quy trình bổ nhiệm
Động thái này diễn ra sau 2 tháng kể từ khi Bộ Công Thương có văn bản đề cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, giới thiệu tham gia hội động quản trị và giữ chức Tổng Giám đốc VEAM.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã ký quyết định cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện cho 22% vốn điều lệ tại VEAM - doanh nghiệp mà Bộ Công thương vẫn đang nắm hơn 88% cổ phần.
|
Ông Phan Phạm Hà, ứng viên Tổng giám đốc của VEAM |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng có văn bản gửi bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM về việc cử ông Hà làm người đại diện phần vốn nhà nước, đồng thời giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị, giữ chức Tổng giám đốc VEAM.
Ông Phan Phạm Hà (44 tuổi), có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, hiện là đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) - cũng là một doanh nghiệp thuộc chủ sở hữu là Bộ Công thương. Ông Hà đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) - một đơn vị trực thuộc MIE.
Vào ngày 3/1 vừa qua, Bộ Công thương vừa có công văn hoả tốc yêu cầu Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) chưa đưa nội dung giới thiệu giữ chức tổng giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà.
Văn bản chỉ đạo do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký nêu rõ: Bộ Công thương yêu cầu Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM tạm thời chưa đưa nội dung Bộ phận đại diện phẩn vốn nhà nước tại VEAM giới thiệu giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại VEAM đối với ông Phan Phạm Hà - người đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM khi họp hội đồng quản trị, “nội dung này được thực hiện khi có chỉ đạo bằng văn bản của Bộ Công thương”, chỉ đạo nhấn mạnh.
Vì sao bị "tuýt còi" bổ nhiệm?
Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM đã có những phân tích lo ngại về năng lực của ứng viên ngồi ghế Tổng giám đốc VEAM – ông Phan Phạm Hà. Đặc biệt, Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM lo ngại, với cơ cấu vốn, công nợ, tài sản, doanh thu như hiện nay, dự báo hoạt động của HAMECO sẽ tiếp tục lỗ và mất cân đối tài chính trong những năm tới.
Dẫn chứng là doanh thu năm 2017 và 2018 lần lượt chỉ đạt 230 tỉ đồng và 364 tỉ đồng, rất thấp so với vốn chủ sở hữu 645 tỉ đồng. Trong số này, doanh thu từ sản xuất công nghiệp đạt khoảng 200 - 250 tỉ/năm – tức là quy mô về sản xuất và doanh thu của HAMECO rất nhỏ so với một số công ty con vốn rất nhỏ của VEAM.
Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM cho rằng với chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm điều hành HAMECO như hiện nay, ông Phan Phạm Hà không thể phù hợp để Bộ Công thương giới thiệu làm Tổng giám đốc VEAM. Nếu ông Hà có năng lực thực sự thì trước tiên cần chứng minh bằng việc vực dậy ngành nghề và thương hiệu Công ty Cơ khí Hà Nội.
Báo cáo của VEAM cũng nêu 3/4 người đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM không đồng ý bổ nhiệm ông Phan Phạm Hà giữ chức tổng giám đốc do không đủ năng lực chuyên môn.
Bộ Công Thương hiện đang nắm giữ gần 88,5% cổ phần tại VEAM, sẽ nhận gần 4.566 tỷ đồng trong đợt cổ tức vào đầu năm 2020. Khoản chi trả cổ tức lần này cao hơn nhiều so với đợt đầu tiên vào tháng 8/2018, với hơn 490 tỷ đồng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ