Quy hoạch và phát triển điện gió vẫn làm các nhà đầu tư lo âu

DTVN 12:14 16/05/2020

Thời gian hưởng mức giá hỗ trợ điện gió quá ngắn, trong khi lưới điện truyền tải chưa được đảm bảo khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió được coi là động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam. Nhiều dự án điện gió theo đó đã được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng. Tính đến tháng 3/2020, đã có 78 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW; 11 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 377 MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW, kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và năm 2021.

Kéo dài thời gian hưởng mức giá FIT

Theo Bộ Công Thương, hiện nay còn gần 250 dự án điện gió với tổng quy mô công suất tới 45.000 MW đang đề nghị được bổ sung vào Quy hoạch. Đây là con số thể hiện sự quan tâm rất lớn của các chủ đầu tư về loại hình năng lượng này. Mặc dù mức giá hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (Feed-in Tariff - FIT) cho điện gió là hấp dẫn, song nhiều nhà đầu tư và chuyên gia vẫn băn khoăn về các chính sách liên quan đến loại hình năng lượng này.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận cho rằng, giữa nhưng dự án đã hoạt động và các dự án được bổ sung vào Quy hoạch đang có sự chênh lệch lớn. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do việc thi công dự án điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, đặc biệt là với điện gió ngoài khơi.

“Đơn cử như việc bàn giao diện tích mặt biển cho chủ đầu tư hiện đang vướng nhiều thủ tục như cho thuê đất thế nào? An ninh quốc phòng ra sao? Cho thuê toàn bộ diện tích hay chỉ thuê móng trụ… là những vấn đề chưa có tiền lệ”, ông Thịnh đặt nhiều câu hỏi.

Cũng theo ông Thịnh, trong Quyết định 39 còn thiếu nhiều chính sách phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ. Cùng với đó, thời hạn để các dự án hưởng giá FIT theo Quyết định này là cuối năm 2021, từ nay đến đó với thời gian còn quá ngắn sẽ không đủ để nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án điện gió mới.

“Chúng tôi rất cần sau thời điểm đó, giá FIT mới như thế nào, bởi không có mức giá thì doanh nghiệp không có cơ sở để lập dự án đầu tư cho mục tiêu phát điện sau năm 2021”, ông Thịnh đề xuất.

Đồng quan điểm trên, theo ông Lê Anh Tùng, đại diện Công ty Ecotech, các dự án của doanh nghiệp này thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn về mốc thời gian hưởng ưu đãi trên. Các nhà sản xuất thiết bị dừng sản xuất, có thể chậm trễ trong giao hàng khiến việc gia hạn giá FIT cho các dự án là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

“Đối với các dự án đã được triển khai không thể dừng đầu tư hay dừng thi công. Nhưng nếu tiếp tục đầu tư, xây dựng mà không kịp thời hạn sẽ thực sự rất khó khăn đối với nhà đầu tư vì sẽ không có mức giá điện để làm hợp đồng mua bán cũng như thanh toán”, ông Tùng cho hay.

Nguồn và lưới điện truyền tải chưa tương xứng

Có thể thấy, quan điểm chung của các nhà đầu tư đều cho rằng, cần thiết kéo dài giá FIT điện gió vì những rào cản liên quan nhiều và phức tạp hơn so với điện mặt trời. Trong đó, rào cản lớn nhất là Luật Quy hoạch khi quy hoạch về không gian biển chưa có, tiếp theo nữa là các hướng dẫn liên quan đến an ninh quốc phòng với các dự án triển khai ngoài khơi... và chưa tính đến yếu tố thiết bị kỹ thuật có thể chậm tiến đô.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho các dự án điện gió được hưởng cơ chế giá mua điện cố định tới hết tháng 12/2023, sau đó mới tiến hành đấu thầu, đấu giá cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại, lưới điện truyền tải khó theo kịp số lượng lớn công suất của các dự án sẽ đưa lên lưới.

Theo tính toán của TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, trong danh mục các dự án đăng ký bổ sung Quy hoạch và đã bổ sung Quy hoạch từ sau năm 2020, tắc nghẽn của các dự án năng lượng tái tạo vẫn rất cao và với hiện trạng lưới điện hiện nay.

“Đây là thách thức lớn giữa chủ đầu tư, ngành điện và Bộ Công Thương. Hi vọng rằng, trong Tổng sơ đồ điện VIII được đưa ra thời gian tới sẽ có điều chỉnh và tiếp cận phù hợp hơn”, ông Sơn lưu ý.

Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận - ông Bùi Văn Thịnh cũng thông tin, hiện nay tại khu vực tỉnh Bình Thuận, điện gió Phú Lạc vẫn bị cắt giảm công suất, thời điểm cao nhất cắt giảm 61%, bình quân thất thoát 20% sản lượng điện hàng quý/tháng do lưới điện không đáp ứng được. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có sự đồng bộ về nguồn và lưới trong những năm tới, khi lượng điện tái tạo đưa vào lớn lại tập trung ở một số địa phương.

“Trong quy hoạch cần phải rõ ràng hơn lưới điện, nguồn điện dự phòng để đáp ứng được quy hoạch. Nếu không làm kỹ quy hoạch thì sẽ gặp tình trạng đầu tư vào mà không giải tỏa được công suất. Hay ngược lại, với lưới điện hiện nay thì nguồn điện gió, điện mặt trời đưa vào bao nhiêu là phù hợp? Cần phải có những kiến nghị bằng con số rõ ràng hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không truyền tải được công suất, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực đầu tư”, ông Thịnh kiến nghị.

Theo Mộc Diệp (t.H)/SHTT

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch và phát triển điện gió vẫn làm các nhà đầu tư lo âu tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành
Tin tức mới nhất