Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các đơn vị xây dựng Đề án “Phát triển cảng xanh tại Việt Nam” nhằm đưa ra những tiêu chí đánh giá cảng xanh phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh Đề án này.
PV: Thứ trưởng cho biết thực trạng ô nhiễm tại các cảng biển ở nước ta hiện nay ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 6 nhóm, với 45 cảng biển đang hoạt động. Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển ở Việt Nam được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 194.000 DWT và đáp ứng yêu cầu về bốc xếp hàng hóa.
Cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác, việc khai thác cảng biển cũng có thể sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy vậy, cho đến nay, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong nước cũng như các Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các cảng biển Việt Nam đã kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và hiện tại không có cảng biển nào thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển cảng biển theo hướng “cảng xanh” thân thiện với môi trường, Bộ GTVT đã triển khai “Xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam” nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để kiểm soát hiệu quả hơn các nguồn tác động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khai thác cảng biển tại Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công |
PV: Như vậy, triển khai đề án “Phát triển cảng xanh tại Việt Nam” là hết sức cần thiết. Xin Thứ trưởng giải thích thêm về nội dung cũng như mục tiêu của đề án trên?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7220/VPVP-CN ngày 30/7/2018 về việc nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển cảng biển theo hướng “cảng xanh” thân thiện với môi trường, Bộ GTVT đã triển khai “Xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam” nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để kiểm soát hiệu quả hơn các nguồn tác động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khai thác cảng biển tại Việt Nam.
Nội dung đề án tập trung vào việc thu thập, đánh giá các hiện trạng hoạt động của các cảng biển, hiện trạng các quy định pháp lý có liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó sự cố rủi ro môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển của Việt Nam và Tổ chức Hàng hải quốc tế; các tổ chức khác có liên quan đến việc xây dựng, phát triển cảng xanh thân thiện với môi trường; đánh giá những tác động tới môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.
Đồng thời, nghiên cứu các kinh nghiệm xây dựng, phát triển mô hình cảng xanh thân thiện với môi trường tại một số quốc gia trên thế giới; xây dựng bộ tiêu chí, mô hình phát triển cảng xanh thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Với những nội dung đó, mục tiêu tổng thể của đề án này là hỗ trợ công tác quản lý môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, ứng phó tốt với các sự cố, rủi ro môi trường tại cảng biển Việt Nam và hiện đại hóa hệ thống quản lý chất thải và cơ sở vật chất trong cảng biển; xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái; bảo vệ cộng đồng khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường do quá trình khai thác cảng; đẩy mạnh tính bền vững; sử dụng công nghệ tiên tiến để chống lại hoặc làm giảm các tác động tiêu cực tới môi trường...; hướng sự phát triển của các cảng biển của nước ta hội nhập với quốc tế.
PV: Định hướng mở rộng đề án trong tương lai nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Bộ GTVT đang giao cho Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án. Hiện nay, dự thảo đề án đã được lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan như: các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp đóng sửa chữa tàu, các cơ quan quản lý có liên quan. Cục Hàng hải Việt Nam đang tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân; dự kiến sẽ tiếp tục hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan lần thứ 2 trước khi trình Bộ GTVT xem xét vào cuối năm 2019.
Khi hoàn thành việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng tại các cảng biển trên toàn quốc, mục tiêu đưa ra là đến năm 2050, 100% các bến cảng trong cả nước được công nhận là cảng xanh. Tuy vậy, việc áp dụng các tiêu chí cảng xanh và công nhận cảng xanh tại Việt Nam sẽ được phân kỳ thực hiện theo lộ trình để đảm bảo mục tiêu đề ra, góp phần vào việc phát triển hệ thống cảng biển ở Việt Nam theo hướng xanh - sạch - bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Tài nguyên và Môi trường