Thi hành kỷ luật, Chủ tịch Mai Tuấn Anh và TGĐ Trần Văn Tám cùng 'văng ghế' ở VEC

DTVN 08:12 31/08/2020

Sau khi bị kỷ luật Chủ tịch VEC Mai Tuấn Anh và Tổng Giám đốc Trần Văn Tám được điều chuyển sang công việc khác tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cảnh cáo, điều chuyển Chủ tịch VEC Mai Tuấn Anh

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa quyết định điều động ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV và ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về công tác tại Tổ tái cơ cấu thúc đẩy sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ, ngành chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong thời gian chờ kiện toàn nhân sự , Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao ông Phùng Minh Mỡ, Thành viên HĐTV phụ trách HĐTV và giao HĐTV Tổng công ty triển khai quy trình, thủ tục, quyết định giao ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc Tổng công ty.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC bị điều chuyển công tác

Ngày 27/8, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Mai Tuấn Anh, do có vi phạm khuyết điểm trong thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC từ tháng 5-2010 đến nay.

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án trị giá hơn 10 tỷ USD, gồm: Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.

Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ những gì về sai phạm của VEC?

Theo thông tin trên Nhà đầu tư, Bộ Công an cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra vụ án "Vi phạm quy đinh về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số đề xuất, kiến nghị.

Theo báo cáo của Bộ Công an, kết quả điều tra đến nay đã có đủ căn cứ xác định quá trình tổ chức thi công, quản lý giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có nhiều vi phạm.

Theo đó, Bộ Công an xác định chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vẫn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt, dẫn đến công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác, xảy ra tình trạng ổ gà, hàn lún vệt bánh xe, rạn nứt, mặt đường không bằng phẳng êm thuận ở nhiều vị trí trên toàn tuyến đường (nhà thầu và chủ đầu tư đã phải sửa chữa, dự kiến sửa chữa, khắc phục tại 291 vị trí, với tổng diện tích là 1.663,16 m2).

Phân Viện khoa học công nghệ GTVT phía Nam, Bộ Giao thông vận tải đã giám định tư pháp và xác định chất lượng công trình xây dựng đối với 7/7 gói thầu (65km) thuộc giai đoạn 1 của dự án này từ các lớp nền – móng – mặt đường không đảm bảo đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, là nguyên nhân gây hư hỏng công trình, đặc biệt, khi gặp nắng nóng kéo dài hay mua đột ngột kết hợp tác động của tải trọng và lưu lượng xe qua tuyến.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với 19 đối tượng liên quan ở VEC, BQL dự án và các nhà thầu thi công về tội danh nêu trên. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án (dài 74,2km từ TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Ngãi), được đưa vào khai thác từ năm 2018, cũng xảy ra nhiều điểm hư hỏng, để điều tra mở rộng, xử lý triệt để các đối tượng liên quan.

Tình trạng mặt đường không bằng phẳng, đúng kỹ thuật trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bộ Công an cũng nêu ra một số bất cập, tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng ở dự án. Quá trình triển khai thực hiện dự án đã tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn được các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế tham gia thực hiện.

Trong đó, liên danh Nippon Koei - Nippon Engineering Consultant (Nhật Bản) - Thai Engineering Consultant (Thái Lan) là đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật Dự án; liên danh Dohwa Engineering - Korea Expressway Corporation (Hàn Quốc) là đơn vị thẩm tra thiết kế kỹ thuật; liên danh OCG - KEI (Nhật Bản) - SMEC (Australia) và CDM Smith (Mỹ) là đơn vị giám sát thi công Dự án; liên danh các nhà thầu Việt Nam và các nhà thầu nước ngoài (Lotte, Posco (Hàn Quốc), Sơn Đông, Giang Tô (Trung Quốc), OHL (Tây Ban Nha)) là các đơn vị thực hiện công tác thi công xây lắp các gói thầu dự án.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các nhà thầu trong giai đoạn thực hiện dự án đã buông lỏng công tác quản lý thi công, giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, công trình. Bên cạnh đó là các quy định chưa rõ ràng, thiếu tính ràng buộc trách nhiệm ở các khâu thực hiện dự án, dẫn đến công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Bộ Công an thấy nổi lên các tồn tại, bất cập như: công tác thiết kế kỹ thuật dự án; hoạt động giám sát thi công; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thi công; việc giải ngân, thanh quyết toán và hoàn trả hạ tầng.

Để góp phần chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trên, Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán…, để khắc phục những sơ hở, thiếu sót, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, đặ biệt là quy định ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án; Phân định rõ trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn thực hiện dự án để chủ đầu tư, nhà thầu thi công có điều kiện về vốn, hoàn thành các hạng mục công trình, đặc biệt là thi công để hoàn trả đường công vụ, đường dân sinh, đường mượn của nhân dân tại địa bàn các tỉnh có dự án đi qua.

Đồng thời, hoàn thành dự án đúng thời gian, tiến độ, không kéo dài thời gian thi công, làm tăng chi phí, giảm hiệu đầu tư dự án, quả ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sinh hoạt, đi lại của người dân.

Trước đó, ngày 27 và 28/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 44, xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy VEC và một số cá nhân.

Ông Mai Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và ông Trần Quốc Việt - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV VEC chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy VEC và một số cán bộ nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Tiếp đó, tại kỳ họp 46, diễn ra từ ngày 15 đến 17/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Mai Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và ông Trần Văn Tám - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc VEC.

Cũng liên quan tới trách nhiệm của ông Mai Tuấn Anh trong thời gian làm lãnh đạo Tổng công ty VEC, mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty VEC.

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng Công ty VEC, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt.

Cụ thể, tuyến cao tốc này thông tuyến chưa đầy 2 năm nhưng 139,2km của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tới 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi, sống trâu, phải sửa chữa khắc phục.

Diện tích mặt đường bị hư hỏng cũng được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chi tiết hóa khoảng 1.663m2. Tính trung bình cứ 1 km cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 2 ổ gà, ổ voi, sống trâu trên mặt đường hư hỏng.

Điều đáng lo ngại là không ai dám chắc cao tốc này không tiếp tục hư hỏng trong thời gian tới, bởi trong quá trình đầu tư cao tốc này Tổng công ty VEC - chủ đầu tư - đã mất khả năng kiểm soát chất lượng dự án, khi để các nhà thầu tự chia nhỏ gói thầu, thuê thầu phụ trong nước không đủ năng lực làm dự án.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của hệ thống cao tốc Bắc - Nam, nên chất lượng tuyến cao tốc này sẽ ảnh hưởng tới việc lưu thông trên toàn trục cao tốc xương sống của đất nước.


T.Hà
(TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thi-hanh-ky-luat-chu-tich-mai-tuan-anh-va-tgd-tran-van-tam-cung-vang-ghe-o-vec-d81582.html

Bạn đang đọc bài viết Thi hành kỷ luật, Chủ tịch Mai Tuấn Anh và TGĐ Trần Văn Tám cùng 'văng ghế' ở VEC tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thời sự
Tin tức mới nhất