Sự cố xảy ra khoảng 12h30 ngày 14/6, chiếc A321neo mang số hiệu VJ322 từ Phú Quốc đến TP.HCM, trên đường lăn vào nhà ga đã trượt khỏi đường băng 07L-25R của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và dừng lại trên thảm cỏ.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã kích hoạt hệ thống khẩn nguy để hỗ trợ chuyến bay này. “Tàu bay và toàn bộ hành khách, tổ bay đều an toàn. Hành khách cũng đã nhận hành lý trong nhà ga và ra về bình thường” - Vietjet cho hay.
|
Đường băng sân bay đã phải đóng cửa để khắc phục vì sự cố này. Toàn bộ các chuyến bay không thể cất - hạ cánh như dự kiến, nhiều chuyến bay tại Tân Sơn Nhất đã bị gián đoạn. Sân bay Tân Sơn Nhất đã phải tạm dừng công tác phục vụ khảo sát của đường băng 25R/07L để mở lại đường băng này và đảm bảo 17h30 chiều cùng ngày khai thác bình thường.
Chiều ngày 15/6, trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định lỗi lớn ở phi công. Khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay, nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không.
“Với diễn biến thời tiết phức tạp, phi công cần đánh giá đúng tình hình để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Kể cả khi nhận huấn lệnh hạ cánh thì phi công cũng có thể xin chuyển hướng và thực hiện hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc phải bay chờ.
Tuy nhiên, trường hợp chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra. Tổ điều tra sẽ đọc thông tin hộp đen để làm rõ, đặc biệt là quyết định hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất của phi công Vietjet” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho PV Dân trí biết.
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng. |
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một phi công kỳ cựu có kinh nghiệm lái máy bay Boeing 787-9 nhiều năm, nhận xét: tại các nước hệ thống kiểm soát an toàn rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống radar phát hiện gió giật (WindShear). WindShear là hiện tượng gió giật xoáy đột ngột, nguy hiểm nhất trong ngành hàng không, không chỉ xảy ra khi trời mưa giông mà ngay cả trời trong cũng có thể xảy ra.
Được biết, tổ lái chuyến bay VJ322 gồm 2 người, cả cơ trưởng và cơ phó đều là người nước ngoài. Hai phi công này đã bị nhà chức trách tịch thu bằng lái ngay sau khi xảy ra sự cố điều khiển máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất. Phi công bị tịch thu bằng lái đến khi nhà chức trách kết thúc việc điều tra.
Nếu nguyên nhân sự cố là do nổ lốp máy bay bất ngờ còn phi công thực hiện đúng trình tự kỹ thuật, tổ phi công sẽ được trả lại bằng lái và hoạt động của các nhân sự khôi phục bình thường. Ngược lại, 2 phi công sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.