Chiều 9/7, tại Trường phổ thông Trung học Nguyễn Huệ, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bao gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dự và lãnh đạo UBND các tỉnh đã tham dự lễ phát động.
|
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ phát động |
Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên. Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 01 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi: tiêm 01 mũi vắc xin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên: tiêm 02 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 01 tháng).
Phát biểu tại lễ phát động, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong công cuộc phòng, chống dịch COVID 19, đến nay đã 83 ngày Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID 19 trên toàn thế giới, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID 19 vẫn quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh các kết quả đó, chúng ta cũng không lơ là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác”.
|
Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn |
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: “Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên; Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.
Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất đó là tiêm vắc xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn”.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca; tỉnh Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca; Đăk Lăk 1 ca.
Đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa. và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.
|
Tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu |
Về độ tuổi của người mắc bạch hầu: dưới 1 tuổi có 3 trường hợp; từ 1-7 tuổi có 8 trường hợp; trên 7 tuổi đến 40 tuổi là 37 trường hợp, trên 40 tuổi có 5 trường hợp.
Xem xét tiền sử tiêm chủng của người mắc bệnh cho thấy: đa số các trường hợp đều không được tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.
Báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về tình hình sử dụng vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib do SII (Ấn Độ) sản xuất và báo cáo kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thấp chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó tỷ lệ vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi (34,6%), tỷ lệ tiêm vắc xin DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi (28,4 %).
Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm các vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết. Đây là bước đi quan trọng để chủ độngphòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tại đây.
Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7 năm 2020.
Việc tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, tại trạm y tế tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét; Tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.
Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắc xin 5 trong 1; 279.608 liều vắc xin DPT; và 10.111.461 liều vắc xin Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 04 tỉnh này sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ