Nhà G6A khu tập thể Nam Thành Công xuống cấp trầm trọng
Một trong những khu nhà cũ xuống cấp trầm trọng nhất tại Hà Nội là nhà G6A khu tập thể Nam Thành Công (quận Đống Đa). Trước đây, hai toà G6A và G6B được xây sát nhau nhưng hiện nay nhà G6A đã bị nghiêng hẳn về bên trái, cách G6B khoảng xa nhất lên tới hơn 60cm.
Từ nhiều năm nay, đơn nguyên G6A được các cấp chính quyền xác định mức độ nguy hiểm cấp D, tức mức cao nhất do khả năng chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường. Nhà G6A xuất hiện tình trạng nguy hiểm, nứt toác.
|
Để đảm bảo an toàn, đa số hộ dân sinh sống tại toà nhà này đã được di dời sang nơi ở mới, nhưng nhiều hộ vẫn bám trụ tại đây với lý do chưa đạt được thoả thuận đền bù thoả đáng.
Trước đây, việc nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nam Thành Công được giao cho Decotech nhưng do đơn vị này thực hiện chậm tiến độ theo yêu cầu của UBND thành phố và quá thời hạn nhà đầu tư cam kết nên hiện tại TP. Hà Nội đang tìm nhà đầu tư mới cho khu vực này.
Khu tập thể tồi tàn của gần 200 hộ dân tại Hà Đông
Một khu tập thể cũ khác cũng tồi tàn, thảm hại không kém là khu tập thể 3 tầng (thuộc tổ dân phố số 13, nằm trên mặt đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội) là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân, được xây dựng từ những năm 1970.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức vào ngày 25/6, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng có thể nhìn thấy đầu tiên tại đây chính là cầu thang. Ánh sáng mặt trời hay mưa gió hiện tại đã có thể xuyên qua một lớp ngói và một lớp cót ép pha trộn vôi, rơm.
|
Sau gần 50 năm, nơi đây đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Còn phía trong các căn hộ, nhất là ở tầng 3, dù người dân đã mất cả trăm triệu đồng để gia cố lại trần và tường nhà, nhưng cũng chỉ được ít bữa, rồi đâu lại vào đó. Có gia đình bị sập cả mảng trần bằng cái chiếu. Có gia đình phải làm thêm mái ngay trong nhà, ngày mưa nước dột lênh láng.
Được biết, đây là khu nhà ưu tiên cho các cán bộ tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Tính cả phần hành lang, mỗi căn nhà có diện tích hơn 41m2, là không gian sinh hoạt của cả gia đình từ 2 - 4 người.
|
Lớp vôi vữa ở tầng 1 đã bong tróc. |
Trải qua gần 50 năm tồn tại, khu tập thể này giờ trở thành nỗi lo lắng của chính các hộ dân đang sống nơi đây, nhất là người già và trẻ nhỏ. Một số gia đình có điều kiện hơn đã chuyển đi nơi khác.
Lãnh đạo UBND phường Nguyễn Trãi cho biết: Trước đây chính quyền địa phương đã hỗ trợ nâng cấp một số hạng mục như mặt đường trong khu chung cư, tường rào xung quanh, cống rãnh,… nên đã hạn chế tình trạng ngập úng. Nhưng một số phần quan trọng bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng thì vẫn chưa có biện pháp khắc phục cụ thể.
UBND TP Hà Nội đã giao Dự án cải tạo khu tập thể 3 tầng này cho một đơn vị xây dựng. Vướng mắc lớn nhất đến thời điểm này chính là ở khâu giải phóng mặt bằng. Nếu 3 dãy nhà A, B, C là mái ngói, thì riêng dãy D xây sau, lại là mái bằng, nên không thống nhất hệ số đền bù giữa các dãy nhà.
Theo bà Hoàng Thị Duy (trú tại toà A, khu tập thể 3 tầng) chia sẻ: Việc những mảng bê tông hay vôi vữa trên trần, mái ngói bị rơi xuống là thường xuyên xảy ra. Tại tầng 1 của toà A và B, nhiều điểm nứt vỡ xuất hiện gần 10 năm qua, lộ rõ cả cốt sắt. Tình trạng này cũng xuất hiện cả ở các cột trụ tầng 2. Hông cầu thang cũng xuất hiện các vết nứt vỡ kéo dài. Cũng theo bà Duy, nhiều hộ vì lo sợ nên đã treo biển bán nhà, đi thuê trọ hoặc ở nhờ nhà người thân.
Ông Lại Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai) khẳng định: Nhà thầu xây dựng là đã nhiều lần tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân. Gần 200 hộ thuộc 4 dãy nhà đã thống nhất phương án cải tạo xây mới, còn khoảng 10 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù, bàn lên họp xuống nhưng vẫn rơi vào bế tắc.
Chính vì thế, dù đã có kế hoạch xây dựng lại từ năm 2016, nhưng đến nay, chuyện cải tạo chung cư cũ ở phường Nguyễn Trãi vẫn dậm chân tại chỗ. Không ai có thể đảm bảo cho cuộc sống của gần 200 hộ dân nơi đây sẽ được an toàn, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ