Để tạo đòn bẩy cho chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức các phiên chợ OCOP, tạo cầu nối giao thương giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) một ngày đầu tháng 10/2019 diễn ra phiên chợ OCOP do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Phiên chợ có quy mô hơn 100 gian hàng với nhiều sản phẩm phong phú, bao gồm: Rau, củ, quả, thịt, cá, dược liệu, sữa tươi; hàng thủ công mỹ nghệ: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, đồ mộc mỹ nghệ; các sản phẩm chế biến của Hà Nội và nhiều vùng miền trong cả nước.
Tại phiên chợ, gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm “Gạo Khu Cháy” của Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Châu Anh thu hút sự chú ý nhiều “bà nội trợ”.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị liên kết với Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) xây dựng vùng trồng lúa JO2 trên diện tích 300ha, sản xuất theo quy trình sạch. Sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, có bao gói bảo đảm... nên tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện sản phẩm “Gạo Khu Cháy” đã được tiêu thụ tại nhiều bếp ăn tập thể. Thông qua phiên chợ, đơn vị mong muốn đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định...
|
Phiên chợ OCOP do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm |
Tại gian hàng “Xôi Phú Thượng” (quận Tây Hồ), mùi xôi nếp tỏa ra thơm nức. Xôi được “đóng” vào các khuôn hình trái tim đẹp mắt với nhiều màu sắc như: Xôi vàng (từ nghệ), xôi đỏ (từ gấc), xôi tím (từ củ dền)...
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng cho biết, nấu xôi là nghề truyền thống của địa phương. Hiện cả phường có khoảng 500 hộ nấu xôi bán quà sáng khắp thành phố, trong đó 330 hộ đã tham gia Hội Làng nghề xôi Phú Thượng. “Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nông dân Phú Thượng còn rất ít đất nông nghiệp nhưng nhờ nghề nấu xôi, cả làng vẫn có nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống” - bà Tuyến cho biết thêm.
Theo quan sát của phóng viên, phiên chợ OCOP trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn đầu tháng 10 và trước đó là Hội chợ OCOP diễn ra trong tháng 9-2019 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rất thành công, hoạt động giao thương diễn ra khá nhộn nhịp. Bà Phạm Thị Minh ở phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết, hàng hóa phong phú với các sản phẩm: Rau, quả, gạo, thịt, giò, chả... có bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc nên rất yên tâm.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm 2019, đơn vị đứng ra tổ chức phiên chợ OCOP quy mô cấp thành phố. Hàng hóa tham gia phiên chợ là những sản phẩm rõ xuất xứ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở NN&PTNT Hà Nội đã bố trí một xe chuyên dụng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đó, những sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ không được tham gia phiên chợ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội có 1.350 làng có nghề và hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc trưng đang được khai thác, lựa chọn phát triển trong Chương trình OCOP. Qua các phiên chợ cho thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao của người dân Hà Nội rất lớn. Người dân và doanh nghiệp đều mong muốn có nhiều hơn các hội chợ để thêm cơ hội mua sắm, giao thương, tạo mối liên kết bền chặt từ sản xuất đến tiêu thụ... Phiên chợ chính là bước đệm để Hà Nội triển khai, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong phát triển kinh tế nông thôn.
Theo Hà Nội mới