Ngày 5/12 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Thông tư nêu rõ "Các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và yêu cầu quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư".
Yêu cầu đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể. Qua đó góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao.
Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1/2020. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình mà các địa phương đã đấu thầu (tính từ thời điểm mở thầu) cung cấp cho các trường mẫu giáo và tiểu học trước ngày thông tư có hiệu lực thì được sử dụng cho đến hết số lượng theo hợp đồng đã và sẽ ký kết.
Hiện 15 tỉnh triển khai chương trình sữa học đường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bắc Ninh, Sơn La... Tại Hà Nội, gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia chương trình.
Chương trình sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai được cho là đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng và tăng chiều cao của trẻ em.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Y tế cho rằng việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường là rất cần thiết. Về yêu cầu đối với vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng như sau:
|
21 vi chất dinh dưỡng. |
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều về câu chuyện phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng trong chương trình sữa học đường.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa, Hà Nội), việc Bộ Y tế quy định bổ sung nhiều vi chất khiến nhiều người cho rằng có thêm nhiều vi chất thì người dùng càng có lợi. Tuy nhiên, đối với dinh dưỡng, cách hiểu này chưa hẳn đã đúng.
Theo ông Thịnh, 21 loại vi chất bổ sung vào sữa tươi là các chất dinh dưỡng vốn có sẵn trong các loại thực phẩm như rau, củ, quả. Tùy từng khu vực địa lý hoặc do thói quen về ăn uống nên có thể trẻ ở đó thiếu đi một số vi chất cần được bổ sung.
Nhưng khi Bộ Y tế đưa ra quy định bổ sung 21 vi chất này vào sữa tươi, tức đã biến loại sản phẩm này thành sữa công thức và áp dụng đại trà cho toàn bộ trẻ em là không ổn.
|
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội). |