Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa công bố BCTC quý 2/2021 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 với kết quả kinh doanh kém sáng khi ghi nhận quý thứ 8 liên tiếp thua lỗ.
Cụ thể, trong quý 2/2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HRT chỉ đạt 395 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chi phí giá vốn hàng hóa giảm mạnh so với cùng kỳ ở mức 382 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty vẫn đạt 13,4 tỷ đồng, tăng 396% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, doanh thu tài chính quý 2 chỉ đạt hơn 806 triệu đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.
Mặc dù trong quý này công ty đã tiết giảm được khá nhiều chi phí như phí quản lý doanh nghiệp giảm 60%, chi phí bán hàng giảm 53%, chi phí lãi vay giảm 48%, song vẫn không đủ bù khoản thâm hụt từ doanh thu.
|
Tình hình kinh doanh của HRT qua các quý |
Do đó, kết thúc quý 2, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 15,4 tỷ đồng. Tuy vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài, nhưng mức lỗ trong quý 2 vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức lỗ 58 tỷ đồng của quý 2/2020.
Lũy kế 6 tháng, HRT ghi nhận doanh thu thuần giảm 59%, xuống còn 416,7 tỷ đồng. Lỗ sau thuế ghi nhận ở mức 58,7 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính đến 30/6/2021, khoản lỗ lũy kế tại Đường sắt Hà Nội đã lên tới gần 343 tỷ đồng, tăng 28,3% so với đầu năm.
Bước sang năm 2021, HRT ước tính doanh thu cả năm giảm còn 1.644 tỷ đồng và tiếp tục lỗ gần 193 tỷ đồng. Trong vòng 6 tháng đầu năm, HRT đã hoàn thành 48,6% mục tiêu doanh thu và thực hiện hơn 39% "kế hoạch lỗ" của cả năm 2021.
Tương tự, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) – một ông lớn trong ngành đường sắt cũng lao đao khi ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Cụ thể, quý 2/2021 doanh thu thuần tại SRT đạt gần 227 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ. Điểm sáng của công ty trong quý này là tiết giảm được khá nhiều chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32%, chi phí lãi vay giảm 14%, chi phí bán hàng giảm 9%.
Tuy nhiên, việc tiết giảm chi phí vẫn không thể bù đắp khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 73%, xuống còn 107 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 2/2021 của công ty âm tới 26,5 tỷ đồng.
Do đó, khoản lỗ sau thuế quý 2/2021 tại SRT gần 23 tỷ đồng - quý thứ 6 liên tiếp lỗ nặng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, quý 2/2021, khoản lỗ của công ty đã giảm tới 45%.
|
Đây là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận lỗ |
Năm 2020, Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận con số thua lỗ kỷ lục hơn 217 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ lũy kế tính đến cuối quý 2 ở mức 277,4 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 2/2021, tổng tài sản công ty đạt 1.370 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là 1.143 tỷ đồng.
Nói về tình hình kinh doanh thua lỗ kéo dài, ban lãnh đạo Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 4 vừa rồi khiến khiến khách trả lại vé nhiều, doanh thu tài chính giảm sâu.
Đồng thời, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện dự án cải tạo nâng cấp các công trình thiết yếu tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh trong gói 7.000 tỷ dẫn đến việc hạn chế tổ chức chạy tàu. Vì vậy, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu về hành khách, hàng hoá không đạt so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh ảm đạm trên không chỉ HRT, SRT mà cả ngành đường sắt nói chung đều đang phải hứng chịu. Ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khiến đường sắt như bị dồn vào chân tường, khó khăn chồng chất.
Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm tránh nguy cơ dừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong báo cáo nêu rõ, năm 2020, VNR lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ DN mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương cho hàng nghìn lao động của công ty.
Cũng theo báo cáo, tổng doanh thu 5 tháng đầu năm của ngành đường sắt chỉ đạt 1.114,1 tỷ đồng, bằng 81,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 60,1% so với 5 tháng đầu năm 2019 khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong tháng 5 vừa qua, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là 393 đoàn; trong đó, số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn, do chính sách quy định hạn chế của nhiều địa phương. Việc cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt cũng khiến 1.169 lao động bị hoãn hợp đồng và 136 lao động phải nghỉ không lương.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật