Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động đi lại và thực hiện giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các hãng bán lẻ trực tuyến trên thế giới có bước tăng trưởng ngoạn mục, doanh thu cao vút, không ngừng tuyển thêm nhân viên để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ đình đám như Amazon, Walmart, Alibaba đang phát huy tốt sự hiện diện của mình trên mảng trực tuyến cũng như các cửa hàng tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi người tiêu dùng đang phải hạn chế ra ngoài để phòng dịch bệnh.
Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - Amazon
Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - Amazon phải tạm ngừng nhận các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm mới nhằm ưu tiên xử lý các đơn hàng sẵn có khi lượng mua hàng trực tuyến tăng đột biến trong mùa dịch Covid-19.
Các đây ít hôm, Amazon đưa ra thông báo sẽ thuê thêm 100.000 nhân viên nhằm đáp ứng với nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân. "Gã khổng lồ" này cũng cho biết sẽ tuyển dụng những người có công việc bị ảnh hưởng hoặc xáo trộn bởi dịch bệnh, như trong các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch...
Ông chủ Amazon - Jeff Bezos đã thu về thêm 24 tỷ USD trong mùa dịch Covid-19, làm gia tăng 20% tài sản của tỷ phú này trong 4 tháng gần đây.
Theo thống kê của tạp chí uy tín Forbes, tỷ phú Jeff Bezos hiện vẫn giữ vững vị trí giàu nhất hành tinh trong 3 năm liên tiếp, với khối tài sản ước tính trị giá 113 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm và đồ gia dụng thiết yếu tăng vọt trong mùa dịch Covid-19, hãng bán lẻ Walmart cũng vừa thông báo sẽ tuyển dụng thêm 50.000 nhân viên làm việc tại các cửa hàng, câu lạc bộ và trung tâm phân phối.
Trước đó, nhà bán lẻ này đã nhanh chóng tuyển được 150.000 nhân viên sớm hơn kế hoạch đến 6 tuần. Trung bình mỗi ngày Walmart tiếp nhận thêm 5.000 người, trong đó 85% số nhân viên này được giao việc bán thời gian hoặc làm thời vụ.
|
Alibaba đối mặt thách thức lớn giữa tâm bão Covid-19
Ông Daniel Zhang Yong, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Alibaba, vừa công bố lợi nhuận quý cuối năm 2019 của công ty, với con số tăng trưởng ấn tượng 58%. Thành tích này là nhờ doanh số tăng mạnh trong dịp Lễ độc thân vào tháng 11. Dù vậy, trong một phát biểu vào thứ Năm vừa qua, ông Zhang thận trọng cho biết:
“Dịch viêm đường hô hấp cấp Corona đang ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu. Đây đồng thời cũng là thách thức phát triển cho mọi mảng kinh doanh của Alibaba.”, ông này nói.
Hiện tại, mặc dù công ty chưa có những đánh giá cụ thể tác động về mặt tài chính, nhưng đà phát triển của các nền tảng bán lẻ cũng như chăm sóc khách hàng tại Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại.
Giám đốc tài chính của Alibaba là Maggie Wu Wei nhận định: “Sau một nửa tháng 02 vừa qua, chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu quý tới có thể bị tác động tiêu cực và một cách toàn diện.”
Cũng vào thứ Năm vừa rồi, Alibaba công bố doanh thu của quý tài khoá thứ ba là 161,5 tỷ Nhân dân Tệ, tăng 38% so với mức 117,3 tỷ Nhân dân Tệ của cùng kì năm ngoái. Đà tăng trưởng này phần lớn là nhờ hoạt động thương mại cũng như điện toán đám mây, mặc cho nền kinh tế trong nước gặp nhiều bất ổn vì leo thang căng thẳng với Mỹ.
Đáng chú ý, lợi nhuận ròng đã tăng 58%, cán mốc 52,3 tỷ Nhân dân Tệ trong cùng quý, vượt xa con số 29,6 tỷ Nhân dân tệ dự kiến bởi các chuyên gia từ Bloomberg.
Tuy nhiên, dịch viêm đường hô hấp cấp Corona lại có tác động tiêu cực đến thương mại điện tử Trung Quốc, vốn đang là miếng bánh lớn của thị trường toàn cầu.
Nhiều đơn vị kinh doanh trên nền tảng bán lẻ này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khi nguồn nhân công cũng như khâu logistic đang bị trì trệ vì chính phủ ban hành lệnh giới hạn đi lại. Dịch bệnh lần này cũng ảnh hưởng nhiều đến tiêu của người dân trong dịp lễ Tết vừa qua.
Nói về vấn đề này, ông Zhang khẳng định: “Chúng tôi đang đánh giá kĩ lưỡng những thách thức hiện tại đồng thời là cơ hội cho Alibaba một khi mà tình hình trở nên tích cực hơn. Với mảng thương mại điện tử, việc nhân viên chậm quay lại làm việc sau Tết Nguyên Đán đang khiến khâu bán hàng và logistic bị trì hoãn.”
Để ứng phó với tình hình, Alibaba đã có những chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, dịch vụ cũng như khâu phân phối cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến trong giai đoạn này.
Tại Việt Nam, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, SpeedLotte,… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng gấp mấy lần so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Các đơn vị vận chuyển cũng nhanh chóng ra mắt dịch vụ đi siêu thị giúp người tiêu dùng. Đây là những động thái thích ứng rất nhanh với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ.
Giới chuyên gia cho rằng, sau khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, các nhà bán lẻ ở Việt Nam sẽ tập trung phát triển mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt và vững chắc hơn so với trước khi có dịch bệnh. Bởi lẽ, trong môi trường mới kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, xu hướng mua sắm có nhiều thay đổi và việc bán hàng đa kênh cho thấy sức tăng trưởng tốt.
Mặc dù vậy, việc đầu tư vào bán lẻ đa kênh được cho là "cuộc chơi" khá tốn kém không phải nhà bán lẻ nào cũng tham gia phát triển tốt, nhất là với những doanh nghiệp nội địa quy mô vừa và nhỏ
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ