Theo khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh) thực hiện cuối tháng 8/2021 cho thấy, có đến 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) phải tạm dừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh. Và có đến 40% doanh nghiệp đang hoạt động chỉ đủ tiền duy trì dưới 1 tháng.
|
Khó khăn phổ biến nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu tiền trả tiền lương cho người lao động, trả lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng... Có 40% doanh nghiệp phải vay ngân hàng để giải quyết những vấn đề trên. Thậm chí, đó chỉ là con số thống kê còn trên thực tế nhiều doanh nghiệp đang rất khát vốn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần ngân hàng bơm thêm “oxy tín dụng” để tạo thêm nguồn vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất tới Thủ tướng sớm ban hành gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay để tiếp cận vốn. Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét về gói cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Thời gian qua, phía ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất lũy kế từ khi có dịch đến nay là hơn 26.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động (tương tự gói hỗ trợ năm 2009), ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận, hiện tại cần thiết phải có những gói hỗ trợ để chia sẻ với doanh nghiệp.
“Như thông tin chúng tôi cập nhật gần nhất, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Nhưng tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách chúng ta phải tính toán tới hai mục tiêu: Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Không bảo đảm được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Vì vậy, ngành ngân hàng tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu triển khai gói hỗ trợ này.
Ở một góc độ khác, theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh: Quy mô gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt.
“Điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được. Nếu theo luật các tổ chức tín dụng thì các doanh nghiệp tiếp cận được rất ít, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm. Do vậy nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng. Trong gói đặc biệt này có một quy chế riêng cho nó, kéo dài trong một thời gian, hết hạn là kết thúc ngay”, TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ.
Đồng quan điểm, TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng: Từ trước tới nay, các gói hỗ trợ đều bế tắc ở việc không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn. “Ở đây phải có tài sản thế chấp hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Cuối cùng là không ai giải quyết được, nhà nước không thể bảo lãnh, ngân hàng thì càng không, rốt cục thì không ai vay được. Nếu không thể tháo gỡ được thì vấn đề hỗ trợ vẫn bế tắc”, TS Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.