Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn do Covid-19

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 06:57 16/07/2021

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - CIEM, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng GDP đạt 5,64%, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%. Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.

Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nửa đầu năm, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn dù chưa đồng đều. Các nền kinh tế phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, trong khi các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Song, đà phục hồi kinh tế còn nhiều bất định, do rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh của các biến thể Covid-19 mới khiến nhiều quốc gia áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế; chậm trễ trong phổ biến vắc-xin và tiêm chủng; rủi ro nợ và áp lực lạm phát…

Cũng trong báo cáo do nhóm nghiên cứu CIEM thực hiện, có 2 kịch bản được nêu ra cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9%;

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 6,2%.

Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong kịch bản 1 và tăng 18,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

Viện trưởng CIEM cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ vẫn cần ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội và để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn," bà Minh nêu quan điểm.

Ngoài ra, đánh giá những yếu tố nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối chặng đường của năm, bà Minh chỉ ra điểm sáng rất ít được đề cập tới, đó là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế. Ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới và mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/tiep-tuc-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-vuot-kho-khan-do-covid-19-d188971.html

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn do Covid-19 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất