Khẩn trương báo cáo quy trình sản xuất
Ngay khi nhận được thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mỳ khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mỳ khô vị bò gà do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm.
Để có cơ sở xác minh làm rõ thông tin, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương.
|
Cùng với đó, khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu Ethylene Oxide đối với một số sản phẩm Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm mỳ khô vị bò gà.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) và Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (Thành phố Hồ Chí Minh) về cảnh báo của EU với sản phẩm mỳ khô vị bò gà.
Cụ thể, đơn vị này nhận được cảnh báo của EU đối với sản phẩm mỳ khô vị bò gà có tên tiếng Anh "Dried noodles with chicken- and beefspices" bị thu hồi tại thị trường Na Uy do chứa 0,052 mg/kg - ppm ethylene oxide.
Mới đây, mì tôm chua cay nhãn hiệu “Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour” (mì Hảo Hảo và miến Good) của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cũng bị thu hồi hoặc tiêu hủy tại Ireland do chứa chất cấm ethylene oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU). Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24/9/2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10/11/2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Sản phẩm còn lại là mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc. |
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị hai cơ quan trên chỉ đạo kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Chất Ethylene Oxide nguy hiểm thế nào?
Ethylene oxide (hay còn gọi là oxiran và epoxit) là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C2H4O, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
Tại châu Âu, Ethylene oxide được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Chất Ethylene oxide thường được sử dụng làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, Ethylene oxide còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi bị nhiễm vào cơ thể sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.
Căn bệnh ung thư được báo cáo nhiều nhất có liên quan đến Ethylen Oxide thông qua tiếp xúc nghề nghiệp là ung thư bạch huyết và ung thư bạch cầu. Trong khi đó, ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylen Oxide.
Mặc dù ung thư và các chất độc hại gây ung thư đã được nghiên cứu từ rất lâu, nhưng đa phần chỉ chú trọng một mặt của vấn đề đó là yếu tố lâm sàng, mà quên đi khía cạnh "độc học môi trường".
Trong khi đó, thực tế cho thấy con người luôn phải hít thở không khí độc hại gồm khói thuốc lá, clo, hơi thủy ngân, bụi kim loại, nước uống nhiễm hóa chất hữu cơ, dầu mỡ, uống rượu bia. Đồng thời, con người cũng tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như chất thải từ các ngành công nghiệp tạo ra.
Theo FSAI, ghi chép cho thấy đã có hơn 500 báo cáo tại châu Âu về việc ô nhiễm chất Ethylene Oxide trong thực phẩm tính từ đầu năm 2020.
Những báo cáo chủ yếu đề cập đến việc lạm dụng các hóa chất trong cuộc sống ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến như: chất bảo quản trong thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ cỏ, thuốc diệt sâu bọ, diệt nấm…).
Trả lời báo Dân Việt, TS.Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc VP SPS - Văn phòng Kiểm dịch động vật, thực vật Việt Nam cho biết, trong trường hợp này, các doanh nghiệp cần xem xét lại thật kỹ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Bởi dây chuyền, máy móc sản xuất của doanh nghiệp có thể khép kín, hiện đại nhưng có thể do nguyên liệu đầu vào, vì vậy khi nhập khẩu nguyên liệu phải kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn. Chúng ta phải xác định bây giờ không phải thời cứ có hàng là mang ra chợ bán nữa mà phải nghiên cứu, đáp ứng tốt những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. Nên nhớ, một con ruồi nhỏ bé cũng có thể làm một doanh nghiệp lớn sạt nghiệp, một con virus SARS-CoV-2 cũng khiến thế giới điên đảo. Nếu không chủ động đáp ứng, những cảnh báo sẽ còn được gửi đến. |