Truy xuất nguồn gốc - giải pháp hóa giải ‘cơn ác mộng’ hàng giả, hàng nhái

vietq 16:24 17/05/2023

Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là “cơn ác mộng” đối với hàng triệu người tiêu dùng ở Việt Nam, đồng thời cũng là nỗi lo của toàn xã hội. Bởi vậy, việ

Ngày 16/05/2023 tại Hà Nội, Đài Truyền hình KTS VTC phối hợp với Công ty Cổ phần A9 Media tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”.

Tham gia chương trình, về phía cơ quan chức năng có TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có ông Trần Minh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Ngô Minh Hiển – Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Trần Đức Thành – Giám đốc Đài Truyền hình KTS VTC;... cùng đại diện các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp liên quan.

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Minh Hùng cho biết, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là “cơn ác mộng” đối với hàng triệu người tiêu dùng ở Việt Nam, đồng thời cũng là nỗi lo của toàn xã hội. Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp. Bởi vậy, việc thực hiện TXNG sản phẩm hàng hóa là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.

Đi sâu phân tích về vấn đề TXNG, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới đều yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó TXNG là yêu cầu bắt buộc. Phải kể đến là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… và cả thị trường Trung Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra những quy tắc trong đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Theo đó, hàng hoá Việt muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ nghiêm ngặt về TXNG, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc - thị trường lớn của Việt Nam những năm gần đây cũng ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện TXNG.

Tại Việt Nam, cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin của các sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,…

Thực tế, hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: TXNG mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn; Hệ thống TXNG mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác; TXNG đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia TXNG cần thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia TXNG;

Các giải pháp TXNG tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống TXNG mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…

Với những bất cập trong thực trạng triển khai hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG thời gian vừa qua, đồng thời để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai TXNG trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Đây là tiền đề giúp các bộ, ngành chủ động, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện khung pháp lý, văn bản pháp luật về TXNG. Đồng thời, đặt ra những tiền đề để cho 63 ủy ban tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các kế hoạch, lộ trình để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động TXNG trên địa bàn của mình.

“Tin vui là đến nay gần như tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 100. Tổng cục TCĐLCL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng được hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến hướng dẫn cho doanh nghiệp áp dụng TXNG. Tổng cục cũng chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc hoàn thiện gần như tới bước cuối cùng về thông tin TXNG quốc gia”, ông Linh thông tin.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL bày tỏ hy vọng những bước đi trên sẽ là điều kiện để doanh nghiệp áp dụng TXNG một cách chuẩn mực hơn, chính xác hơn. Qua đó, giúp doanh nghiệp TXNG và cung cấp thông tin lên cổng quốc gia, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ sở dữ liệu tốt để có thể truy cập vào cổng thông tin, tìm hiểu các thông tin mà mình quan tâm.

Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đề cập đến vai trò quan trọng của Cổng thông tin TXNG Quốc gia, ông Bùi Bá Chính thẳng thắn bày tỏ rằng việc quản lý thông tin TXNG sản phẩm tập trung trên cổng thông tin TXNG thuộc lĩnh vực Công thương là đòi hỏi bức thiết bởi các lý do sau: Đáp ứng việc quản lý sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khi nhập nguyên liệu đến khi xuất sản phẩm, từ đó đảm bảo tính an toàn, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm;

Phát hiện, ngăn chặn, phòng chống hàng giả và hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với chức năng quản lý sản phẩm hàng hóa lưu thông của ngành Công thương; Quản lý và tối ưu hoá chuỗi cung ứng, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cải thiện hiệu quả sản xuất, dễ đánh giá và tham mưu một cách chính xác cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô;

Tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng, nâng cao vị thế, uy tín sản phẩm thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; Đảm bảo sự công bằng, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thu hút sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp FDI, cải thiện môi trường đầu tư.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến TXNG và các giải pháp mang tính thực tiễn cao đã được các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp... đưa ra. Trong đó, sự chung tay của doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội là yếu tố quan trọng giúp đẩy mạnh TXNG, ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Bạn đang đọc bài viết Truy xuất nguồn gốc - giải pháp hóa giải ‘cơn ác mộng’ hàng giả, hàng nhái tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Tin tức mới nhất