Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, Lào Cai cũng là một trong những tỉnh hứng chịu nhiều ảnh hưởng, không chỉ đối với ngành du lịch mà một số ngành nông nghiệp - dịch vụ có liên quan cũng điêu đứng.
Chúng ta vẫn biết đến Cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) không chỉ nổi tiếng bởi khí hậu, cảnh quan du lịch tuyệt đẹp mà nó còn được biết đến khi gắn liền với một loại đặc sản cây trái ôn đới đã làm nên thương hiệu và được nhiều du khách biết đến: mận tam hoa Bắc Hà.
Hàng năm, vào thời điểm tháng 5, 6 chính vụ, mận Bắc Hà là món quà được lựa chọn hàng đầu của khách du lịch khi đến nơi đây, đem lại nguồn thu không nhỏ cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các sự kiện du lịch bị tạm hoãn, mọi hoạt động du lịch và thông thương đình trệ, dẫn tới quả mận tam hoa khó khăn tìm thị trường tiêu thụ, người dân trồng mận đang vô cùng lo lắng.
Không chỉ mận, dứa quả ở Mường Khương cũng nhiều khi lâm vào cảnh khủng hoảng "được mùa mất giá". Đặc biệt, từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hộ trồng dứa ở Mường Khương ôm “trái đắng” khi dứa rớt giá vì bạn hàng quen thuộc không thể tới giao dịch.
|
Mận tam hoa Bắc Hà quả to, giòn, róc hạt và ngọt đến tận cùng. Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, dịch bệnh cũng là điều kiện giúp dứa Mường Khương mạnh dạn chuyển hướng tại thị trường nội địa. Quả dứa được đưa đến những nhà máy chế biến trong nước. Mới đây, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu chính thức đi vào hoạt động đã tạo “cú huých” cho sự thị trường dứa Mường Khương sôi động từ đầu vụ bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, mùa dứa năm 2021, nông dân ký hợp đồng với nhà máy thu mua dứa với mức giá trung bình 6.000đồng/kg. Còn ở thị trường bán lẻ, dứa được bán với giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần vụ dứa năm trước.
Nông dân Mường Khương không sản xuất tự phát nữa, mà liên kết với doanh nghiệp, trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chủ động rải vụ để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Từ loại cây trồng ẩn chứa nhiều rủi ro, thiếu ổn định từ bạn hàng nước ngoài, cây dứa Mường Khương tiếp tục bén rễ, nhân lên những mùa trái ngọt, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất biên cương Tổ quốc. Câu chuyện “được mùa, mất giá” những năm trước đây đã mang về cho nông dân Mường Khương bài học lớn về liên kết trong sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai Vương Tiến Sỹ cho biết, để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tương tự như cây dứa Mường Khương, Lào Cai hiện đang đưa mận quả và một số sản phẩm khác của địa phương vào sản xuất thử nghiệm với nhiều chủng loại thành phẩm như đóng hộp, ép nước, sấy khô, sấy dẻo...
Các loại trái cây được đưa vào chế biến tại Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, phù hợp thị hiếu, khẩu vị của bạn hàng thị trường châu Âu. Giải pháp này hứa hẹn sẽ dần đẩy lùi cơn ác mộng "được mùa mất giá" để nông dân yên tâm bám đất, bám làng định cư sản xuất.
Trước mắt, để hỗ trợ tiêu thụ mận, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà đã cùng vào cuộc, chủ động kết nối với các chuỗi cửa hàng sạch và hệ thống siêu thị bán lẻ tại Hà Nội và các tỉnh miền xuôi để tìm kiếm thị trường cho quả mận tam hoa. Mục tiêu đặt ra là tiêu thụ được khoảng 60 – 70% sản lượng mận cho người dân.
Ngoài ra, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà Nguyễn Xuân Giang cho biết, huyện Bắc Hà đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Lào Cai để đưa sản phẩm mận tam hoa lên sàn giao dịch điện tử Postmart. Đây là sản phẩm quả tươi đầu tiên của Lào Cai được bán trên sàn giao dịch điện tử.
Theo Chất lượng VIệt Nam Online