Tập trung nguồn lực, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

DTVN 11:54 22/12/2020

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, cần tập trung nguồn lực tạo dựng những trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Việt Nam hiện có hơn 1400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt.

Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cũng nhờ sự tham gia này, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Startup Blink năm 2020), tính riêng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong top 20- 25 hệ sinh thái hàng đầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao trong số các nước phát triển.

Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bước sang giai đoạn mới, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian tới cần phát triển thêm một bước với việc tập trung nguồn lực tạo dựng những trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia.

Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và trong các doanh nghiệp là chính sách hướng đến việc thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện – trường - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ. Từ đó, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai.

"Để thực hiện chính sách này một cách có hiệu quả không thể thiếu vai trò trung tâm của cộng đồng quốc tế, đó là các tổ chức, hiệp hội, tập đoàn và những cá nhân nhiệt huyết, tài năng người Việt khắp nơi trên thế giới", Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham quan gian hàng của doanh nghiệp tại Techfest

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, đổi mới sáng tạo và đột phá về công nghệ có vai trò rất quan trọng trong tất cả các ngành và điều đó đặc biệt đúng ở Việt Nam. Ở khu vực ASEAN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa đầu tư cho nghiên cứu phát triển cũng như tài trợ cho đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi sang cách làm mới, cách sống mới.

“Việc ưu tiên cho đổi mới sáng tạo hôm nay là chìa khóa để chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn sau Covid-19. Việt Nam có rất nhiều thành tố để có thể trở thành một nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục tốt và liên tục huy động thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, hơn nữa Việt Nam cũng có vai trò quan trọng và uy tín cao trong việc thúc đẩy khoa học và công nghệ đặc biệt là toán cũng như chuyên ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và sinh học”, Đại sứ Michael Michalak nhấn mạnh.

Đại sứ Michael Michalak cho biết thêm, hiện nay, hoạt động đổi mới sáng tạo đang chuyển dịch dần sang khu vực Châu Á. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines đã trở thành những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất về xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Trong đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm thu hút đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp sáng tạo và thu hút nhiều nguồn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư... Các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư 815 triệu đô la cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2019 các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã huy động được 246 triệu đô la trong các ngành như: Fintech, thương mại điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì khống chế được Covid-19 đồng thời chuyển dịch về cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới thì sẽ phát huy được vị thế của mình.

Theo Chất lượng Việt Nam online

Link gốc : http://vietq.vn/tap-trung-nguon-luc-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-sang-tao-quoc-gia-d181989.html

Bạn đang đọc bài viết Tập trung nguồn lực, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu
Tin tức mới nhất