Định giá Startup chưa doanh thu
Đây là một bài viết về cách định giá các công ty khởi nghiệp của anh Nam Nguyễn – Một chuyên gia tư vấn giải pháp Quản trị doanh nghiệp hiện đang sống và làm việc tại Singapore. Anh Nam Nguyễn được biết đến như một chuyên gia trong lĩnh CRM: marketing, sales, loyalty, service, ecommerce và Nhân sự: đào tạo, đánh giá năng lực, quản lý mục tiêu, tài năng.
Nhóm startup chưa doanh thu bao gồm: ấp ủ ý tưởng, mới bắt đầu nghiên cứu, mới bắt đầu làm chưa xong, đang test beta chưa phát hành, chưa có khách hàng.
1. Tôi có người bạn hư cấu, vợ ảnh có bầu mà nhà đông con, ảnh tâm sự:
– Tôi đã nghiên cứu cách nuôi dạy con của Ba Mẹ Mark Zuckerberg rất kỹ. Tôi sẽ nuôi con tôi y chang, chắc chắn lớn lên nó sẽ làm doanh nhân thành đạt. Bây giờ anh đưa tôi 1 tỷ, tôi sẽ dùng số tiền đó để nuôi thằng con, mai mốt giàu nó sẽ trả anh 100 tỷ. Câu chuyện này nghe quen phải không? Giới Startup hay kể câu chuyện tương tự: ý tưởng của em rất hay, là độc nhất vô nhị, là thay đổi thế giới, viết lại cuộc chơi… em chỉ cần làm theo phương pháp ABC (có dạy trong các trường đại học), chắc chắn em sẽ thành công.
2. Nếu chê cách 1 cảm tính, tôi sẽ làm cách khác:
Startup chưa doanh thu làm gì có yếu nào đo lường hay dự đoán được xu hướng (xu hướng chính là yếu tố quyết định giá trị)? Không dòng tiền, không chi phí lợi nhuận, không tính được chi phí acquire khách hàng, không tính được lợi nhuận trên khách hàng/giao dịch/sản phẩm…Nó giống như 1 chấm trên đồ thị mà không biết hàm số, nó có thể đi tút lên, nhào xuống, xoay tròn hay băng ngang mãi mãi.
Nếu không dự đoán được xu hướng chấm tròn trong đồ thị, làm sao có thể dự đoán giá trị tương lai của Startup?
Ý tôi con người, founder, founding team chính là cái hữu hình nhất.
Định giá startup để bán cũng là bán hàng, nhưng đó là sản phẩm hình thành trong tương lai. Giống như mua nhà chung cư vậy á, bạn mua chung cư lúc còn trên giấy, vì bạn thấy chủ đầu tư tin tưởng.
Là một người yêu dữ liệu và hệ thống hoá, tôi tạm đưa ra một công thức như sau:
Giá Startup = (Giá trị Founder + Giá trị sổ sách ghi nhận ) * giá trị Ý tưởng * Rủi ro đầu tư (Công thức có bản quyền của chính chủ nha, tạm gọi là công thức Op-La)
i là hệ số ý tưởng (idea), 0< i <=100
i do người mua xác định. Tìm được người mua hiểu thì giá trị càng cao: khác biệt, công nghệ, tiềm năng thị trường…
r là hệ số rủi ro (risk), 0< r <=1
r phụ thuộc giai đoạn Startup: ý tưởng, ra sản phẩm mẫu, có những người dùng đầu tiên, tốc độ dùng tiền, kinh nghiệm của founder, có nhà đầu tư trước đó chưa, cạnh tranh, đối thủ…
Giải thích chi tiết về phần công thức:
Giá Startup = (Giá trị Founder + Giá trị sổ sách ghi nhận ) * giá trị Ý tưởng * Rủi ro đầu tư
Giá trị founder = Lương 1 năm * 2 * 5
– 2 là công suất làm việc tối đa của founder (tuần 80h so với 40h khi làm thuê)
– 5 là số năm tối đa để một Startup trở thành doanh nghiệp ổn định hoặc phá sản (Xem như founder cống hiến 5 năm cho Startup)
Giá trị sổ sách ghi nhận = Vốn chủ * 5
– Giá trị này bao gồm tổng số tiền Startup đã sử dụng (bao gồm tiền mặt, công sức quy đổi tương đương, nhà đầu tư trước góp…)
– 5 là giá trị tham chiếu, tương đương của một doanh nghiệp thuộc loại tốt trên thị trường (Vinamilk là 10, FPT là 7).
Ý nghĩa của bước này là khi định giá, nhà đầu tư tạm coi giá trị của Startup là lạc quan nhất. Nhờ 2 giá trị trên, mình sẽ có một giá trị hình dung được để neo lại, trước khi áp 2 tham số.
Giá trị hệ số Ý tưởng (i): cái này do Founder trình bày, thuyết phục và sự đồng cảm của nhà đầu tư. Giá trị của i nằm trong khoảng 0 tới 100. 0 là ý tưởng như không thể chấp nhận được, 100 là ý tưởng vĩ đại.
Ý tưởng thường được chia làm 2 loại:
– Startup công nghệ (thật sự không phải hàng chém gió): 30-100 (đây chính là lí do Startup được ưa chuộng và các Startup hay chém công nghệ).
– Startup truyền thống (mua bán, dịch vụ theo cách không áp dụng công nghệ): 1 - 50.
Giá trị hệ số Rủi ro đầu tư (r): cái này do Nhà đầu tư cảm nhận và đánh giá theo Gu. Giá trị từ 0 tới 1. 0 là quá rủi ro, 1 là không rủi ro.
– Startup công nghệ rủi ro cao, theo quan sát thì giá trị r nằm từ 0 – 0.5.
– Startup truyền thống thấp hơn, giá trị 0.3 – 1.
|
Ảnh minh họa |
Những yếu tố tác động giá trị startup khi chưa có doanh thu
"Không giống như những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, startup trong giai đoạn sớm thiếu hụt nhiều cơ sở để định giá, bao gồm doanh thu, lợi nhuận, chi phí, dòng tiền..." nhà hoạch định chiến lược thương hiệu Robbie Richards cho biết.
Dù sử dụng phương pháp tính toán nào, mọi con số đều là ước tính và phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận giữa startup và các nhà đầu tư khi gọi vốn. Trước khi bước vào phiên thuyết trình, startup cần đặt lên bàn cân những yếu tố quan trọng có thể tác động đến giá trị doanh nghiệp.
Khả năng tăng trưởng
Vẫn có những con số liên quan đến hoạt động của startup để các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng. Trước hết, số lượng người dùng cơ sở chứng minh startup đang được quan tâm trên thị trường. Tập khách hàng càng cao thể hiện mô kình kinh doanh và mô hình sản phẩm càng hấp dẫn.
Kế đến là hiệu quả marketing. Nếu bạn có thể thu hút nhiều khách hàng chất lượng và trung thành với mức chi phí quảng bá tiếp thị thấp, giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng quy mô doanh nghiệp về nguồn vốn, số lượng sản phẩm, người dùng... đều có thể là cơ sở để thuyết phục giới đầu tư tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Kế hoạch và khả năng mở rộng quy mô cũng sẽ là yếu tố đáng cân nhắc.
Giá trị đội ngũ sáng lập
Trong khi bản thân startup chưa thu về kết quả ấn tượng, nhà đầu tư sẽ nhìn vào chất lượng nhân sự để xác định khả năng thành công của doanh nghiệp. Các yếu tố quan trọng bao gồm kinh nghiệm của đội ngũ sáng lập hoặc những cộng sự gắn bó từ ngày đầu.
Kế đến là sự đa dạng về chuyên môn để đảm bảo luôn có những người am hiểu về từng lĩnh vực trong doanh nghiệp, ví dụ công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm, tiếp thị, nhân sự...
Cuối cùng là mức độ cam kết của nhân sự đối với startup. Nhà đầu tư luôn muốn đồng hành cùng một đội ngũ có sự gắn bó và cam kết hoạt động lâu dài, ít nhất cho đến khi startup đạt thành tựu nhất định.
Nguyên mẫu sản phẩm
Một bản thử nghiệm, nguyên mẫu hoặc MVP (sản phẩm giá trị sử dụng tối thiểu) là cần thiết để trình bày về mô hình sản phẩm và mô hình kinh doanh của startup. Đó cũng là một tín hiệu để xác định sản phẩm đã sẵn sàng tung ra thị trường hay chưa, từ đó ảnh hưởng lớn đến giá trị doanh nghiệp.
Minh họa về một nguyên mẫu sản phẩm. Khi sản phẩm của startup là phương tiện vận chuyển, nguyên mẫu dù cho có thô sơ nhưng cũng cần đáp ứng tối thiểu nhu cầu và đặc tính chính của sản phẩm. Hình vẽ: Henrik Kniberg.
Cung - cầu
Câu hỏi quan trọng nhất với một startup là sản phẩm giải quyết được vấn đề trên thị trường, điều đó đồng nghĩa cần xác định cán cân cung cầu khi định giá doanh nghiệp. Các yếu tố thị trường như tính cạnh tranh, tiềm lực của đối thủ, những mô hình sản phẩm tương tự... cũng sẽ tác động đến giá trị startup.
Những ý tưởng đột phá, độc đáo có thể giúp startup hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, tuy nhiên chưa thể khẳng định ý tưởng và sản phẩm độc đáo ấy đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và sẽ được người dùng đón nhận trong tương lai.
Xu hướng thị trường
Những ngành công nghiệp mới nổi như hệ sinh thái mở, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, phát hành game di động... đang có sức hấp dẫn lớn. Điều đó đồng nghĩa quy mô thị trường rộng mở, cơ hội thành công đối với startup gia tăng, nhu cầu về sản phẩm dịch vụ mới cao. Thời đại kỹ thuật số xoay quanh các thiết bị di động có thể là "miếng bánh lớn" giúp startup ghi dấu ấn tốt hơn, đồng nghĩa giá trị doanh nghiệp cao hơn.
Biên lợi nhuận
Cuối cùng, những sản phẩm có biên lợi nhuận thấp dễ bị các nhà đầu tư bỏ qua hoặc gặp khó khi huy động vốn. Giá trị doanh nghiệp theo đó cũng giảm đi do chi phí cao, lợi nhuận không tương xứng, kém hấp dẫn torng mắt nhà đầu tư.
Tuy vậy, mô hình kinh doanh về lâu dài cũng có thể là bảo chứng cho thành công của startup trong những lĩnh vực có biên lợi nhuận được cho là không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo Thu Hoài/TBCK