Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày). Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, là tiềm năng lớn cho phát triển thị trường bán lẻ.
|
Mặc dù vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, song, xu hướng tiêu dùng thay đổi đang buộc các doanh nghiệp (DN) phải có các giải pháp phù hợp để thích ứng. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2020 sẽ định hình lại lối chơi của các DN bán lẻ Việt Nam với những thay đổi quan trọng. Cụ thể, các DN bán lẻ sẽ tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại thành phố lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn (hiện vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều).
Nhìn vào hệ thống bán lẻ của DN đang “ăn nên, làm ra” hiện nay, điều dễ nhận thấy, các DN này biết cách tiếp cận và khai thác tính đặc thù của từng phân khúc thị trường, thay vì đầu tư ồ ạt hướng đến thị trường chung rộng lớn như trước đây. Đơn cử, một số DN bán lẻ đi sâu tìm hiểu để cho ra các dịch vụ và sản phẩm có tính địa phương hóa, gồm sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, từ đó xây dựng danh mục hàng hóa cung ứng phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm của khách hàng cũng được các DN bán lẻ chú ý nhiều hơn, nhằm giữ chân “thượng đế”.
Sự thuận tiện cộng với việc hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn và nhiều ưu đãi là những tác nhân quan trọng thu hút người tiêu dùng tích cực lựa chọn mua sắm online. Đó cũng là lý do thời gian qua, hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi như Vinmart+, Bách hóa Xanh… đều đẩy mạnh bán hàng online. |
Theo Phương Lan/Báo Công Thương Điện Tử