Covid-19 khiến một DN dệt may giảm gần nửa lợi nhuận
Đầu tư và Phát triển TDT (TDT) vừa công bố BCTC quý 3/2020 với doanh thu giảm 17% so cùng kỳ xuống còn 123 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lãi ròng Công ty thu về giảm 28% so cùng kỳ, xuống còn 10 tỷ đồng.
Theo TDT, nguyên nhân kinh doanh sụt giảm mạnh do dịch Covid-19 khiến khách hàng lùi ngày xuất hàng của các đơn hàng sản xuất xong nhưng chưa ghi nhận doanh thu và sẽ được tính vào quý tiếp theo. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho người lao động vẫn được duy trì thanh toán nên lãi quý 3 giảm so cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, TDT ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% xuống còn 217 tỷ đồng, tương ứng lãi ròng giảm 45% xuống mức 12 tỷ đồng.
So với kế hoạch 565 tỷ đồng doanh thu và 58 tỷ đồng lãi trước thuế, 9 tháng TDT mới chỉ thực hiện được 38% chỉ tiêu doanh thu và 25% chỉ tiêu lợi nhuận.
|
Phải đến cuối năm 2021 mới có thể hồi phục
Dịch Covid-19 bùng phát gây áp lực lớn lên nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng đạt 21,7 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.
Mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước. Tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra ở một số doanh nghiệp khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) lo ngại mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 khó đạt được.
Ước tính đến hiện tại, xuất khẩu dệt may lũy kế 9 tháng đạt 27 tỷ USD – giảm 11% so với cùng kỳ, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS chia sẻ. Nói sâu hơn về diễn biến của ngành, ông Giang ví von từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, ngành dệt may trải qua 3 cung bậc khác nhau.
Trong đó, cung bậc thứ nhất là thời điểm sau đại dịch Covid, tức quý 1/2020, ngành dệt may đứng trước thách thức bị thiếu hụt nguồn trung do tắc nghẽn tại Trung Quốc. Theo đó, nhiều lô vải quan trọng phải bay về được Việt Nam thì chịu chi phí rất lớn.
Sang quý 2/2020, hàng loạt đơn hàng bị giảm sâu, đặc biệt với sản phẩm có tính chủ lực như sơ mi, đầm nữ, veston. Đây là cung bậc thứ 2, thách thức về đơn hàng, kéo dài cho đến hiện tại, mức giảm của dòng sản phẩm này vẫn ở mức 80% và chưa hồi phục.
Cung bậc thứ 3, theo ông Giang là phải duy trì, ổn định giờ làm trong tuần. Đơn hàng giảm mạnh, nhiều đơn vị giảm 15 ngày, đóng cửa nhà máy để cân đối lại nguồn hàng. Dù vậy, quý 2-3/2020 đơn hàng khẩu trang ở các nước Nhật, Hàn… tăng tạo việc làm cho CNCNV. Cùng với đó, đơn hàng về quần áo ở nhà, đồ thể thao (đặc biệt là Nike)… thậm chí tăng mạnh trở lại.
Nhìn chung, dịch Covid-19 dù chỉ vài tháng đã tạo ra những chu kỳ diễn biến phức tạp, sau tất cả ông Giang nhấn mạnh dịch để lại những bài học lớn cho doanh nghiệp. Riêng mảng dệt may, có 5 bài học lớn được rút ra từ thách thức Covid-19, bao gồm:
(1) Bài học về nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam.
(2) Bài học thứ hai về việc thích ứng sự thay đổi nhanh của thị trường về các dòng sản phẩm. Từ những đơn hàng truyền thống như sơ mi, veston… chuyển sang đồ mặc nhà, khẩu trang.
(3) Bài học về phương thức đàm phán, thay vì bay qua gặp trực tiếp thì chuyển sang trực tuyến.
(4) Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đối mặt và giải quyết thách thức về đánh giá mức độ lao động, sản xuất online.
(5) Cuối cùng, bài học về việc thanh toán với ngành dệt may Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đang thuê luật sư để có thể đòi lại tiền từ các người mua hàng lớn trên thế giới đã phá sản. Sau đại dịch, chúng ta có thể phải xem xét lại các phương thức trả chậm
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ