Central Group doanh thu vượt 1 tỷ USD
Năm 2012, Tập đoàn bán lẻ Central Group mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bắt đầu bằng mảng kinh doanh mặt hàng thời trang. Năm 2015, Central Group thâu tóm Nguyễn Kim và Lanchi Mart, chuỗi siêu thị nhỏ tại các tỉnh miền Tây.
Thời điểm đó, Central Group sở hữu 85 cửa hàng tại 15 tỉnh với diện tích sàn khoảng 170.000m2. Năm 2016, Central Group chi ra hơn 1 tỷ USD để thâu tóm hệ thống BigC Việt Nam và ra mắt thương hiệu Big C/Go lần đầu vào năm 2018. Central Group lấy BigC làm nền tảng để thúc đẩy kinh doanh tại Việt Nam, dần đổi thương hiệu sang Go!.
Năm 1925, nhà sáng lập của Central Group, ông Tiang Chirathivat đã chuyển từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) sang Bangkok mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Sau đó đến năm 1956, con trai ông là Samrit Chirathivat mở rộng mảng kinh doanh của cha và thành lập trung tâm mua sắm Central Department Store tại quận Wangburapha ở Bangkok.
Đế chế bán lẻ của Central Group đã bành trướng tại Thái Lan kể từ đó, hiện nay Chủ tịch của Central Group là Tos Chirathivat, cháu nội của ông Tiang Chirathivat và là con trai út của Samrit Chirathivat, ở thành thế hệ thứ ba của dòng họ lãnh đạo tập đoàn. Hầu hết các thành viên trong gia tộc Chirathivat nắm quyền điều hành tại Central Group và các công ty con.
Ở thời điểm hiện tại, Chirathivat là gia tộc giàu có thứ hai tại Thái Lan (sau CP Group). Central Group hiện nay dẫn đầu mảng bán lẻ, bất động sản, kinh doanh khách sạn, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ tài chính và fintech… tại Thái Lan.
Mảng bán lẻ của Central Group, công ty Central Retail Corporation đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SEC) với mã CRC, vốn điều lệ 6,32 tỷ bath (202 triệu USD).
Năm 2019, doanh thu mảng bán lẻ của Central Group đạt 222,7 tỷ bath (7,12 tỷ USD), tăng 7,8% so với năm trước. Trong đó 74% doanh thu từ thị trường Thái Lan, 18% doanh thu từ thị trường Việt Nam và 8% doanh thu từ Italia.
Về cơ cấu doanh thu, 41% đến từ mảng thực phẩm, 33% từ thời trang và 26% còn lại là hàng điện máy và phần cứng. Lợi nhuận ròng năm 2019 của Central Retail đạt hơn 9 triệu bath, tăng 4,3% cùng kỳ 2018. Tổng tài sản gần 261 tỷ bath (8,3 tỷ USD), tổng nợ 177,3 tỷ bath (5,66 tỷ USD).
Tính đến cuối năm 2018, Central Retail đang quản lý 2.083 cửa hàng, 61 trung tâm thương mại với diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 3 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy lên tới 93,6%
Tháng 4/2019, Central Group chi thêm khoảng 115 triệu USD để hoàn tất nâng sở hữu tại Nguyễn Kim từ 49% lên 100%. Việc hợp nhất Nguyễn Kim đã kéo doanh thu của Central Retail - công ty phụ trách mảng bán lẻ của Central Group - tại thị trường Việt Nam lần đầu vượt 1 tỷ USD.
Doanh thu của Central Retail tại thị trường Việt Nam đã tăng từ 300 triệu bath (9,5 triệu USD) năm 2014 lên 37 tỷ bath (1,18 tỷ USD) năm 2019 (gấp 123 lần). Số liệu giai đoạn 2016-2018 cho thấy doanh thu bình quân mỗi năm (CAGR) tại thị trường Việt Nam của Central Retail tăng trưởng 19,8%. Trong thời kỳ Covid-19, công ty này tiếp tục mở rộng và gặt hái được doanh thu thông qua các nền tảng mua sắm đa kênh bao gồm cả bán lẻ và các cửa hàng online, phục vụ khoảng 12 triệu khách hàng.
Đến tháng 6/2020, Central Retail Việt Nam đang sở hữu 35 khu mua sắm, 230 cửa hàng tại 39 tỉnh thành cả nước với diện tích mặt sàn bán lẻ hơn 1 triệu m2, bao gồm 32 đại siêu thị (Hyper Go!), 7 siêu thị ở các thành phố lớn (Super Go!) và 25 địa điểm Lanchi Mart ở các tỉnh. Các chi nhánh Nguyễn Kim được mở độc lập và định dạng shop trong shop, nằm trong các chi nhánh của Big C.
|
Tham vọng lớn của Central Group tại mảnh đất hình chữ S
Yol Phokasub, Giám đốc điều hành Central Retail tiết lộ rằng, chiến lược của công ty sẽ tập trung mở rộng danh mục đầu tư ở nhiều phân khúc khác nhau, hợp tác đối tác và cung cấp công nghệ, cho phép Central Retail nhanh chóng mở rộng hoạt động một cách mạnh mẽ.
Đánh giá về thị trường bán lẻ của Việt Nam, Central Group nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trên 6% trong 3 năm trở lại đây, GDP trên đầu người đã tăng từ 1.886 USD năm 2013 lên 2.566 USD năm 2018 (theo số liệu của World Bank. Ngành bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, do nền kinh tế tăng trưởng khả quan, dân số lớn với hơn 90 triệu người và sự bùng nổ tầng lớp khách hàng có thu nhập trung bình. Một số hiệp định thương mại tự do được ký kết trong 5 năm trở lại đây cũng thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo góc nhìn của Central Group, dẫn đầu ngành bán lẻ của Việt Nam bao gồm các ông lớn như Saigon Coop, Vincommerce, Lotte Group (trong mảng siêu thị và đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi), Thế giới Di động, FPT Retail (mảng điện máy), AEON Mall, VinGroup (trung tâm thương mại). Với quy mô doanh thu hơn 1 tỷ USD thì hiện Central cùng với Thế giới Di động, Vincommerce và Saigon Co.op là 4 hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Nhìn thấy tiềm năng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, lãnh đạo của Central Retail không ngần ngại bày tỏ tham vọng sẽ liên tục tìm cách mở rộng và sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Ông Philippe Jean Broianigo, giám đốc điều hành Central Retail Vietnam cho biết, năm 2020, Central Retail sẽ mở 6 siêu thị Go! ở Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Mê Thuột, Bến Tre, Bà Rịa và Thái Nguyên, và đổi thương hiệu Big C thành Go ở 4 chi nhánh nữa. Kế hoạch bao gồm phát triển nền tảng bán hàng đa kênh và kết hợp kinh doanh với các đối tác như Grab trên GrabMart để tạo điều kiện cung cấp dịch vụ nhanh chóng cho khách hàng. Trong 5 năm tới, mục tiêu của Central Group muốn mở rộng mảng bán lẻ ra khắp 55 tỉnh thành của Việt Nam.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ