Theo Zing.vn, dựa trên căn cứ thu thập được, Tổng cục Hải quan đã xác định dấu hiệu vi phạm của công ty do ông Phạm Văn Tam là Chủ tịch.
"Thứ nhất, đơn vị này xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Thứ hai là trốn thuế”, ông Nguyễn Văn Ba, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan nói.
Ông cho biết vụ lùm xùm liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo được dư luận quan tâm. Riêng về vấn đề này, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức buổi họp báo riêng, công bố tài liệu, chứng cứ vi phạm đã thu thập được.
Một tuần trước, Cục Thuế TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này sang cơ quan Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyết định do ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM ký ngày 16/10.
Văn bản của Cục Thuế TP.HCM gửi cơ quan công an ghi rõ trong trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan điều tra thông báo cho cơ quan thuế để thu hồi quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế.
Xác nhận việc bị truy thu và phạt thuế, trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho biết đây chưa phải kết luận cuối cùng. Doanh nghiệp này đang khiếu nại một số khoản trong báo cáo của cơ quan thuế. Trong khi đó, ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, từ chối trả lời Zing.vn về việc này.
|
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo |
Trên Công an Nhân dân cho hay, theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT của Cục Thuế TP.HCM, các hồ sơ liên quan thể hiện Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên công ty đứng tên (nay đã bỏ địa chỉ kinh doanh) để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Asanzo. Trong đó, Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các Công ty Trần Thoàn, Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên về thuê gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc Tập đoàn Asanzo.
Đáng nói, Asanzo mua “linh kiện” nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là “mặt hàng thành phẩm” để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn…
Do vậy, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn nội dung không có thực), mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt… Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng.
Asanzo bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng (gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là 14,6 tỷ đồng); truy thu thuế với số tiền 40,5 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ.
Tuy nhiên, Quyết định về việc chuyển hồ sơ nêu rõ trong trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan điều tra thông báo cho cơ quan thuế để thu hồi quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế kể trên.
Ngoài ra, Cơ quan Thuế cũng phát hiện Asanzo mua bán với các công ty liên kết với giá 1 đồng nhưng kê khai giá bán thành 4 đồng, rồi sau đó tiền được chuyển ngược lại cho công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo, trong đó cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ của ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn Asanzo) và nhân viên tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo rút tiền ra với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đó là lý do doanh thu mỗi năm của Công ty Asanzo lên đến 1.400 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai, nộp thuế hơn… 50 triệu đồng!