Theo tài liệu mà ông Nguyễn Ngọc Sâm cung cấp, Công ty TNHH Cơ khí và kết cấu thép Thái Nguyên (gọi là Công ty kết cấu thép Thái Nguyên) do ba cổ đông gồm ông Nguyễn Ngọc Sâm; ông Nguyễn Văn Thái; ông Trần Thế Tùng hợp tác thành lập ngay 1/7/2016, mỗi cổ đông nắm giữ 33,33%, tương ứng với số tiền 200 triệu đồng.
|
Đơn thư tố giác của ông Nguyễn Ngọc Sâm. |
Sau khi thành lập, ông Trần Thế Tùng được bầu làm Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty; Tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thành viên; Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư công ty; Trình báo cáo tài chính hàng năm lên Hội đồng thành viên.
Trao đổi với báo chí, ông Sâm cho biết: “Khoảng đầu năm 2017, ông Tùng đến gặp tôi và nói Công ty đang thiếu vốn nên cần đưa thêm tài sản để vay vốn ngân hàng quay vòng vốn kinh doanh.”
Để có vốn quay vòng, ông Sâm đã đã thế chấp thửa đất số 119 (45) cùng nhà ở là tài sản trên đất tại ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Thái Nguyên và được ngân hàng thanh toán khoản vay 900 triệu đồng với đơn vị được cấp tín dụng là Công ty kết cấu thép Thái Nguyên.
Theo ông Sâm phản ánh, sau giải ngân, trong quá trình điều hành hoạt động doanh nghiệp ông Tùng không thực hiện nghĩa vụ công khai tình hình tài chính, kế toán nên các các thành viên, cổ đông góp vốn không nắm bắt được tình hình. Và chỉ biết tình hình khi ngân hàng gửi thông báo về xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay đối với nhà và nhà đất của ông Sâm đã thế chấp trước đó. Khi đó, cổ đông và thành viên công ty mới phát hiện dư nợ của Công ty là gần 1 tỷ 700 triệu đồng (tính đến ngày 3/8/2020).
Mặt khác, qua tiến hành đối chiếu, so sánh với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối tài khoản, bảng cân đối kế toán 2017 mà ông Tùng cung cấp cho Ngân hàng với số liệu trong báo cáo cơ quan quản lý thuế, ông Sâm cho biết có chỉ tiêu tài chính bị lập khống. Cụ thể, trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gửi ngân hàng làm hồ sơ vay vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 62 triệu đồng, trong khi báo cáo gửi cơ quan thuế lại là hơn 13 triệu đồng…
“Tôi cho rằng đang tồn tại hai hệ thống sổ sách kế toán. Mục đích để bỏ ngoài tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán để trục lợi. Nay công ty mất khả năng thanh toán, ông Tùng đổ thừa trách nhiệm, không nhận tôi là thành viên góp vốn, cho rằng tôi mượn Công ty để vay tiền cho cá nhân là không đúng.”, ông Sâm cho hay.
Tại biên bản làm việc với Ngân hàng Agribank ngày 25/8/2020 và trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Tùng cho biết, ông Nguyễn Ngọc Sâm và ông Nguyễn Văn Thái không phải là cổ đông, thành viên trong Công ty. Bìa đất của ông Sâm nhờ Công ty vay vốn và dùng tiền sử dụng với mục đích cá nhân. Đồng thời đề nghị ông Sâm phải nộp tiền rút tài sản ra để không ảnh hưởng đến Công ty.
Chiều ngược lại, phía người đứng đơn tố giác đã phủ nhận nội dung của ông Tùng đưa ra. Để minh chứng việc không mượn Công ty vay vốn, sử dụng tiền với mục đích cá nhân, chứng minh là thành viên, cổ đông góp vốn của Công ty, ông Sâm đã cung cấp tài liệu là các thủ tục, giấy tờ ông Tùng khai báo khi làm thủ tục vay vốn. Trong đó, thể hiện ông Thái, ông Sâm là thành viên, cổ đông của Công ty kết cấu thép Thái Nguyên.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cổ đông, ông Sâm đã có đơn tố giác ông Trần Thế Tùng có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, đồng thời kiến nghị cơ quan pháp luật khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nhóm PV/Sở Hữu Trí Tuệ