Nhuộm tóc là một trong những cách thức làm đẹp được rất nhiều chị em yêu thích và chọn lựa. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ khi mang thai không nên nhuộm tóc vì có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc hoặc ép tóc có thể làm giảm mức hormone hỗ trợ quá trình mang thai...
Trong thời kỳ mang thai, mức độ của những hormone như estrogen và progesterone… sẽ tăng lên hỗ trợ quá trình mang thai của người mẹ. Khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với các hóa chất có trong các sản phẩm chăm sóc tóc có thể làm giảm nồng độ các hormone này.
Các nghiên cứu trước đây đã liên kết sự gián đoạn hormone thai kỳ với nguy cơ gia tăng các vấn đề như suy giảm sự phát triển của thai nhi, sinh non và sinh con nhẹ cân…
|
Nghiên cứu mới do PGS Zorimar Rivera-Nunez, tại Trường Y tế Công cộng Rutgers ở Piscataway, NJ (Mỹ), dẫn đầu thực hiện trên 1.070 phụ nữ mang thai ở Puerto Rico. Những người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi về việc sử dụng sản phẩm cá nhân và lấy mẫu máu để đo nồng độ hormone trong suốt thời gian mang thai. Các nhà khoa học phát hiện ra, những người sử dụng một số sản phẩm dành cho tóc, có lượng hormone estrogen, progesterone và testosterone thấp hơn so với những người không sử dụng. Danh mục đó bao gồm thuốc nhuộm, thuốc ép tóc, thuốc tẩy, nhưng không bao gồm dầu gội, dầu xả, keo xịt tóc hay gel dưỡng tóc.
Theo các nhà khoa học, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, bao gồm kem dưỡng da, sữa rửa mặt, đồ trang điểm, dầu gội đầu và sơn móng tay, thường chứa nhiều hóa chất. Các chất hóa học có thể tương tác với hệ thống nội tiết tố của cơ thể, có thể gây rối loạn nội tiết.
Theo Hiệp hội Nội tiết, các chất gây rối loạn nội tiết có ở khắp mọi nơi và mọi người có thể bị phơi nhiễm qua thức ăn, nước uống hoặc thậm chí là qua hít thở không khí bị ô nhiễm. Một số hóa chất có thể gây rối loạn hormone phổ biến, có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, bao gồm paraben, phthalates, bisphenol-A và các kim loại độc hại.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem phơi nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào. Tuy nhiên điều này rất phức tạp, một phần là do mọi người có thói quen tiếp xúc với nhiều hóa chất cùng lúc.
Theo các nhà khoa học, khi phụ nữ có mức độ cao của một số chất gây rối loạn nội tiết trong cơ thể khi mang thai, con cái của họ có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc dậy thì sớm hơn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy, những phụ nữ thường xuyên sử dụng hóa chất ép tóc có nguy cơ ung thư vú cao hơn những người không sử dụng. Thuốc nhuộm tóc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ da đen.
Về vấn đề mang thai, một nghiên cứu gần đây về phụ nữ mang thai ở Trung Quốc cho thấy, những người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm trang điểm hoặc chăm sóc da có nhiều khả năng sinh con nhỏ so với tuổi thai (một dấu hiệu hạn chế sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ).
Các nhà khoa học khuyến cáo, phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai nên đọc nhãn mác và lưu ý những gì họ đang đưa vào cơ thể mình. Hãy cảnh giác với từ "hương thơm" trong các sản phẩm- một thuật ngữ nghe có vẻ vô hại nhưng thực sự nó có thể bao gồm một loạt các hóa chất chưa được tiết lộ, một số có thể là chất gây rối loạn nội tiết.
Theo đó nếu thai phụ muốn đi nhuộm tóc khi đang mang thai thì nên đợi qua 3 tháng đầu thai kì. Đồng thời, trong 12 tuần đầu tiên khi mang thai là thời điểm quan trọng trong sự hình thành và phát triển các cơ quan, cơ, móng tay, móng chân và nang lông của em bé nên mẹ nên tránh tiếp xúc với hóa chất ở mức cao nhất có thể.
Thai phụ nên thử phản ứng với thuốc trước khi sử dụng bằng cách thoa lên vùng da ở mặt trong cánh tay gần cùi chỏ và theo dõi trong 48 tiếng. Nếu có phản ứng bất thường (ngứa, nổi mẩn…) thì tuyệt đối không dùng.
Nên chọn màu nhuộm từ thực phẩm là cách an toàn nhất cho mái tóc vì chúng không chứa các hóa chất làm hư tóc hay gây các biến chứng khác cho cơ thể. Không giống thuốc nhuộm hóa học, màu nhuộm từ thực phẩm không mùi nên sẽ không khiến thai phụ cảm thấy buồn nôn hay khó chịu.
Khi nhuộm tóc, hãy mở rộng cửa sổ, bật quạt thông gió để hơi, khí độc, mùi hóa chất bay ra ngoài để không hít phải quá nhiều khí độc. Thoa thuốc nhuộm lên tóc bằng một chiếc lược, để thuốc nhộm chỉ ngấm vào tóc chứ không ngấm vào da đầu. Đặc biệt cần gội sạch da đầu sau khi nhuộm tóc khoảng 20 phút.