10 sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm nguy hiểm

DTVN 09:42 23/12/2020

Thực phẩm chức năng là các loại thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe tuy nhiên đã không ít sản phẩm chứa chất cấm người dùng nên biết để tránh.

7 sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA) thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm chức năng bán tại Singapore, ngay lập tức tiến hành rà soát nội bộ. Kết quả cho thấy từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng 7 thực phẩm chức năng sau đây:

Hamer Candies: Bào chế dạng kẹo; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do chứa chất N-desmethyl tadalafil (một tân dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới và là thuốc điều trị theo đơn).

Coco Curv: Bào chế dạng gói bột; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 14,92 mg/gói.

Choco Fit: Bào chế dạng gói; nhà sản xuất Body Perfector Resources P.O Box 6243, Persiaran Dato Menteri, 40000 Shah Alam, Selangor; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine.

Nutriline Thinsline: Bào chế dạng gói bột 15g; nhà sản xuất Nutriline Concept Sdn. Bhd; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 14 mg/gói, 11,12 mg/gói.

Nutriline Cleansline: Bào chế dạng gói 10 g; phân phối bởi Nutriline Wellness S Bhd. (nhà buôn), Nutriline Concept Sdn. Bhd. (nhà bán lẻ); lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sennosides 11,84 mg/gói, 8,29 mg/gói.

Wholly Fitz "PASSION LEMON TEA" withGuarana Powder and Hoodia Gordonii Extract: Bào chế dạng gói 15 g; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có sibutramine 14,62 mg/gói và 13,14 mg/gói.

Kimiso Dark Chocolate: Bào chế dạng gói 15 g; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 1,44 mg/gói và chất diphenhydra mine 8,44 mg/gói.

Theo tìm hiểu chất sibutramine và sennoside đều là các loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Hoạt chất sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó đã bị cấm tại Singapore từ năm 2010 do làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Còn sennoside dùng trong các thuốc có tính nhuận tràng, chỉ định dùng theo đơn.

Nhiều loại thực phẩm chức năng chứa chất cấm cần tỉnh táo khi lựa chọn. Ảnh minh họa

Phát hiện chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New, Health và viên giảm cân Giáng ngọc Eva

Cũng theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc lấy mẫu giám sát chủ động mối nguy an toàn thực phẩm, các cơ quan liên quan đã lấy nhiều mẫu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ để tiến hành kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên Huế về hai sản phẩm viên giảm cân Giáng ngọc Eva và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New hộp 30 viên phát hiện các chất không phù hợp với Bản công bố sản phẩm đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm.

Hai sản phẩm này đều thuộc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML (địa chỉ: Thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) công bố, sản xuất tại Công ty Cổ phần Phúc Lâm (địa chỉ: Đường TS21 khu công nghiệp Tiên Sơn, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Cụ thể, lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên giảm cân Giáng ngọc Eva với thông tin trên nhãn: số kiểm soát 012019, hạn dùng 28/5/2022 có kết quả kiểm nghiệm chất Sibutramin Hydroclorid 13,96 mg/viên.

Tiếp đến cơ quan chức năng cũng phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Health – Belief – Effective Detox Slimming Capsules của Công ty Cổ phần Đầu tư Y-D Hitech (địa chỉ: số 1/32/48 phố Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có chứa chất cấm Sibutramin.

Cần tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm chức năng

Trước vấn nạn nhiều thực phẩm chức năng chứa chất cấm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, về nguyên tắc, đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, sai phạm mà nhiều cơ sở mắc phải nhất nhằm đánh lừa người tiêu dùng đó là việc quảng cáo trái phép. Cụ thể, bên cạnh các hình thức vi phạm như bán hàng/quảng cáo khi chưa được cấp phép truyền thông đã xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng online nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước khiến sản phẩm chứa chất cấm có cơ hội tới tay người tiêu dùng.

Do đó, ông Phong khuyến cáo, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành.

Khi mua cần kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm, tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng “xách tay”), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Thêm 55 chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe?

Gần đây, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo dự thảo, chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm chất có trong các Danh mục sau:

Phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất” ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

Danh mục I "Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục IVA "Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy" ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Phụ lục I “Danh mục Dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Danh mục thuốc độc và nguyên liệu độc dùng làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BYT ngày 03 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc.

Phụ lục I “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật”; Phụ lục II “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc động vật”; Phụ lục III “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật” ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc.

Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe ban hành kèm theo dự thảo Thông tư này. Cụ thể gồm 55 chất: Beclomethasone; Betamethasone; Budesonide; Clobetasol propionate; Cortisone; Deflazacort; Dexamethasone...

Theo Chất lượng Việt Nam online

Link gốc : http://vietq.vn/canh-bao-10-thuc-pham-chuc-nang-chua-chat-cam-d181999.html

Bạn đang đọc bài viết 10 sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm nguy hiểm tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Xã hội
Tin tức mới nhất