Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP cho biết, “TP khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”.
|
Thực tế cho thấy, sau khi có thông tin TP tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch Covid-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8/2021 đã ghi nhận tình trạng bà con ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe doạ trực tiếp tới nguy cơ làm làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch.
TP kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. TP cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường. Đề nghị người dân hãy tin tưởng vào chính sách chăm lo của TP, không tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin sai sự thật. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng thành phố để cùng vượt qua đại dịch.
Chăm sóc tốt an sinh xã hội
Theo đó UBND TPHCM tập trung hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện, nước). Chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, bảo đảm nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trưởng hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
TPHCM cũng tăng cường các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát bệnh dịch, hạn chế tối đa tử vong. Trong đó, tăng cường xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp. Bổ sung xét nghiệm một số đối tượng sau: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại cửa hàng xăng dầu (7 ngày/ lần). Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, định hướng dư luận xã hội đối với việc tiêm vaccine.
Về điều trị F0 tại nhà: Thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động tại các khu vực có nhiều F0; có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh.... và chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.
Về cung ứng hàng hóa: Sở Công Thương trên hệ thống phân phối sẵn có của Thành phố, phối hợp với tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc điều phối đảm bảo cung cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho Thành phố.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu bảo đảm các yêu cầu tại Kế hoạch 2715 / KH-BCĐ ngày 15 tháng 8 năm 2021 của Ban Chi đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.
UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, xã, thị trấn căn cứ Kế hoạch số 2715 / KH-BCĐ ngày 15 tháng 8 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 86 / NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và các nội dung chỉ đạo nêu trên, xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương mình, bao gồm đầy đủ các nội dung, biện pháp thực hiện giãn cách, bảo đảm an ninh trật tự, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, theo dõi, chăm sóc các F) tại nhà, bảo đảm an sinh cho các trường hợp khó khăn, điều phối, bố trí lực lượng và trang thiết bị hợp lý…bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Kiên quyết không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc
Trước đó, tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại Thành phố thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch cần phải thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19: tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng và tiếp tục nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng… Giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.
Thứ năm, về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.