Nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả
Nhà máy nước Sông Đà cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Hà Nội, Hà Đông. Với mục tiêu sử dụng nước sông Đà sản xuất nước sạch để cung cấp cho thủ đô, nhà máy nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình, còn đường ống nằm trên địa bàn Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà gây ảnh hưởng nguồn nước cấp cho nhà máy nước sông Đà trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, chính quyền tỉnh Hòa Binh đã chỉ đạo kịp thời các ngành địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc và đề xuất các giải pháp xử lý.
Theo ông Bù Đức Hinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, bước đầu Viwasupco - đơn vị vận hành nhà máy đã rải cát toàn bộ mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu để ngăn tràn dầu tiếp tục vào hệ thống nước. Sau nhiều ngày dọn dẹp, khối lượng thu gom khoảng 100l váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu khoảng 60kg, được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3-4m3 cát dính dầu đã được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt nhựa, trên mặt phủ đất.
|
Hiện nguồn nước sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt người dân, trong đó có nhà máy nước sạch Sông Đà.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235 BLHS; đồng thời vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.
Qua vụ việc nghiêm trọng này, UBND tỉnh đánh giá đây là sự cố rất nghiêm trọng, đã gây ảnh đến cuộc sống của người dân TP Hà Nội. Vụ việc trên là bài học cho các nhà máy xử lý cung cấp nước sạch trong cả nước về vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần soát lại công tác đảm bảo an toàn nguồn nước đối với các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân.
Yêu cầu Viwasupco trả lại diện tích hồ Đàm Bài cho tỉnh
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Hinh, trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Công ty có biện pháp tích cực khoanh vùng, thu gom hết số lượng dầu thải, xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm để không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của Nhà máy. “Ngoài ra, Viwasupco phải có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thủ phạm gây ra vụ việc nghiêm trọng trên”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình còn đề nghị công ty tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước phục vụ hoạt động. Tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới hạn phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài theo quy định; thực hiện đầy đủ quy định tại giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, xả thải vào nguồn nước do Bộ TN&MT cấp phép.
“Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất và báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương” – ông Bùi Đức Hinh yêu cầu.
Cũng liên quan đến sự cố tại Nhà máy nước sạch Sông Đà, để đảm bảo an toàn nguồn nước, trước mắt cũng như về lâu dài, theo ông Bùi Đức Hinh, UBND tỉnh yêu cầu Viwasupco cần đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy; không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài cho sản xuất; yêu cầu Công ty sớm xác định thời hạn cụ thể để trả hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất...
Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có quy hoạch sử dụng nước sông Đà; các cơ quan quản lý của tỉnh nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính (nếu có) liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường của Công ty; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần nước sạch Hòa Bình để tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với việc đảm bảo an toàn nguồn nước.
Hà Anh Minh