Tranh chấp ở trường Newton: Luật sư đề nghị vô hiệu hợp đồng ngày 23/01/2017

Kiến Thức 10:17 30/08/2020

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc đề nghị HĐXX xem xét hợp đồng ngày 23/01/2017 giữa Công ty TDS với Trường Newton là vô hiệu và các thủ tục thay đổi vốn góp của các cổ đông không hợp lệ.

Luật sư yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng 23/01/2017 giữa Công ty TDS và Trường Newton
Chiều 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục mở phiên Tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty TDS với Trường THCS-THPT Newton.
Tiếp tục tranh luận, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn) đề nghị HĐXX, ngoài việc xem xét nội dung Tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng; tư cách của bà Lê Thị Bích Dung làm người đại diện cho bị đơn trong vụ án này; tư cách khởi kiện của ông Lê Văn Vàng, nữ luật sư còn đề nghị Tòa xem xét lại việc Tòa sơ thẩm chưa tiến hành xác minh tài sản - tranh chấp: là toàn bộ phần đầu tư xây dựng của Trường Newton trên toàn bộ phần đất TH1 (7200m2), để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.
Đặc biệt, tại phiên tòa ngày 19/8/2020 đã làm rõ bà Trần Kim Phương là người có quyền và nghĩa vụ đặc biệt quan trọng (không thể thiếu) trong vụ án nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng vụ án.
Cụ thể, nguyên đơn (Công ty TDS) khởi kiện yêu cầu bị đơn thực hiện Hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 03/11/2016 và Phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 19/01/2017; sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện: Công ty TDS yêu cầu Tòa án xét xử 2 nội dung, liên quan đến công ty TDS, là: Thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo Văn bản thỏa thuận giữa Công ty TDS và Bà Lê Thị Bích Dung và yêu cầu bà Dung trả hóa đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2tỷ) đồng - theo Biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/05/2018.
Tuy nhiên, sau đó bị đơn (bà Dung) cũng có đơn phản tố, đề nghị huỷ một phần Hợp đồng ngày 03/11/2016 (huỷ phần thỏa thuận trường Pascal chuyển nhượng 49% cổ phần cho bà Phương); huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07 ngày 23/01/2017 giữa trường Newton và bà Trần Kim Phương.
Theo luật sư, khi xét xử tòa án sơ thẩm lại đi xử (công nhận hiệu lực) một Hợp đồng mà cả nguyên đơn và bị đơn không ai khởi kiện - đó là Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 23/01/2017 giữa bà Trần Kim Phương và Trường Newton? Hợp đồng này xác định bà Trần Kim Phương chuyển nhượng cho trường Newton 13,09% cổ phần của và Phương tại Công ty TDS.
“Phân tích về hiệu lực Hợp đồng, chúng tôi sẽ trình bày ở phần nội dung sau. Nhưng về thủ tục tố tụng liên quan, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét: Hợp đồng này được ký kết giữa cá nhân bà Phương và Trường Newton (do bà Dung làm đại diện). Vì vậy, khi Tòa án tuyên xử Hợp đồng này thì phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cá nhân bà Phương. Vì quyết định của Bản án sơ thẩm trực tiếp làm mất 13,09% cổ phần của cá nhân bà Phương. Vì thế, bà Phương không chỉ mang một tư cách là đại diện cho công ty TDS trong vụ án mà bà mang tư cách cá nhân - là người sở hữu 13,09% cổ phần tại công ty TDS.
Như vậy, phải xác định trường Newton có yêu cầu độc lập với bà Trần Kim Phương mới đúng. Thực tế, đơn phản tố của trường Newton không đề nghị nội dung này - mà nội dung này tự Tòa án sơ thẩm đưa vào xét xử - mà không có thủ tục tố tụng liên quan (không có người kiện; không có người bị kiện)”, nữ luật sư nói.
Nữ luật sư khẳng định lại lần nữa, thực tế hiện nay, bà Phương đang bị mất 13,09% cổ phần tại công ty TDS (chứ không phải Công ty TDS mất)? nhưng bà Phương không được thực hiện các quyền tố tụng theo quy định của BLTTDS; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi nghĩa vụ của bà Trần Kim Phương.
Cuối cùng nữ luật sư cho rằng việc thiếu người tham gia tố tụng khác là các thành viên HĐQT trường Newton và luật sư tham gia trực tiếp tư vấn, soạn thảo, làm chứng việc Trường Newton và bà Trần Thị Kim Phương ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07/2018, để làm rõ có hay không việc Trường Newton bị bà Phương ép ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (vì Bản án quyết định Hợp đồng 07 vô hiệu do bị ép ký)?
Bà Bích Dung nói bị bà Kim Phương "uy hiếp" là không đúng?
Tại tòa, các đương sự lần lượt được HĐXX cho đứng dậy để tranh luận về các nội dung liên quan đến vụ án. Đặc biệt, phần tranh luận với ý kiến luật sư phía bị đơn của bà Nghiêm Nhật Anh (cổ đông Công ty TDS) được khá nhiều người tham dự phiên Tòa chú ý.
Trước tiên, bà Nghiêm Nhật Anh nói: “Tôi không đi vào thời điểm phần luật sư bên kia nói “tôi và chị tôi là con của mẹ tôi” (bà Trần Kim Phương), mặc nhiên là mẹ tôi quyết là chị em tôi đồng ý? Thực ra, logic điều này rất tương đồng với việc bà Dung đại diện cho ông Long để chuyển cổ phần đất của mẹ tôi. Vì vậy, dựa trên logic Tòa vô hiệu điều khoản bà Dung chuyển 49% cổ phần Pascal, khi bà Dung đại diện cho ông Long.
Tương tự, về mối quan hệ gia đình ở đây, bà Phương cho rằng bà ấy không cần thông báo cho tôi. Về mặt tình tôi không cần biết, về mặt lý đó là sai.
Vì vậy, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm điều khoản bà Phương đã sử dụng cùng với hệ thống logic mà chúng ta đã vô hiệu điều khoản bà Dung chuyển cổ phần trường Pascal cho bà Phương”.
Bà Nhật Anh tiếp tục trình bày rằng: “Từ tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội đã chuyển công văn về việc chúng tôi thành lập trường. Ngay từ khi chúng tôi có đất, xây dựng ở TH1 là hợp tác cùng có lợi.
Bên cạnh nữa, ngày 19/8/2020, khi tôi hỏi tâm lý của bà Dung thế nào khi chuyển lại cổ phần cho bà Phương, bà Dung cũng nói tâm lý bà Dung hoàn toàn bình thường. Vì vậy, sau khi bà Phương khởi kiện rồi bà Dung mới nhận ra rằng khi ấy mới bị uy hiếp, điều này là sự phi logic thứ nhất.
Thứ 2, những hành động được cho là đổ đất, đổ cát tại Pascal, trong khi biên bản làm việc ngày 31/5/2018 có yêu cầu bà Phương hoàn thiện Phòng cháy chữa cháy. Bà Dung cho rằng đó là hành vi uy hiếp, nhưng tại sao tháng 7 lại uy hiếp được hành động tận tháng 5? Đó là sự phi logic thứ 2”.
“Việc, quy kết rằng Phòng cháy chữa cháy đúng nhu biên bản cam kết đúng như đợt tháng 7/2018, lại uy hiếp được những biên bản làm việc tháng 5. Sau đó lại có việc tiền xây dựng bà Dung chuyển lại cho bà Phương 42,2 tỷ đồng (do đã tự trừ đi 2 tỷ đồng) không có một biên bản nào của cổ đông Newton. Vì vậy, chắc chắn việc chuyển khoản đó cũng là vô hiệu. Thực tế, Newton không sở hữu gì ở trên lô đất TH1”, bà Nhật Anh nhắc lại lần nữa.
Bà Nhật Anh nhấn mạnh, việc bà Phương dù là mẹ đẻ cũng không có quyền tự ý đại diện cho Công ty TDS ký các điều khoản hợp đồng với bà Dung mà không thông qua các cổ đông. Về mặt pháp lý như vậy là không đúng.
Tại phiên toà, đại diện VKSND TP Hà Nội cũng đã đưa ra quan điểm nhận định về vụ án.
HĐXX cũng thông báo 14h ngày 4/9/2020, tòa sẽ tuyên án.
Luật sư Phan Thị Kim Tiến (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TDS), yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm số 27/2019/KDTM ngày 23, 25, 26/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, tuyên bố “Hợp đồng kinh tế về việc chuyển nhượng một phần lô đất TH1, chuyển nhượng trường liên cấp Pascal và Hợp tác xây dựng, điều hành trường Pascal” ký ngày 23/01/2017 giữa Công ty TDS và Trường Newton là vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Theo luật sư, Công ty TDS đã đăng ký lần đầu vào ngày 03/03/2010, đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 15/01/2013 (BL 902); Thay đổi doanh nghiệp lần thứ 3 đăng ký ngày 11/08/2016, cơ cấu như sau: Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị; bà Nguyễn Thị Minh Tín là Giám đốc và bà Lê Thị Bích Dung là Phó Giám đốc.
Cổ đông góp vốn gồm bà Lê Thị Bích Dung (33,57%); bà Nguyễn Minh Tín (11%); bà Nghiêm Thuận Ánh (11%); bà Nguyễn Thị Lan Anh (1%); bà Trần Kim Phương (25%); và bà Nghiêm Nhật Anh (18,43%).
Quyền và nghĩa vụ của cổ đông và nhóm cổ đông được quy định tại Điều 29 Điều lệ của Công ty và được phân định bằng bản thỏa thuận cổ đông lập ngày 30/6/2016 có sơ đồ từng lô đất kèm theo (BL 506, 521-525).
Trong đó, bà Nguyễn Thị Minh Tín đại diện cho Công ty trong phạm vi liên quan đến hạng mục 1 - khu vực B của dự án. Bà Trần Kim Phương, bà Nghiêm Thuận Ánh và bà Nghiêm Nhật Anh quyết định việc đầu tư, xây dụng, huy động vốn, liên danh, liên kết và khai thác hạng mục 2 của dự án.
Còn bà Lê Thị Bích Dung đại diện cho Công ty trong phạm vi liên quan đến hạng mục 1 - khu vực A. Bà Dung cùng bà Lan Anh quyết định việc đầu tư, xây dựng, huy động vốn, liên danh, liên kết và khai thác hạng mục 1 - khu vực B của dự án.
Theo luật sư Tiến, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 126/2019/QĐXX-ST ngày 31/10/2019 và bản án sơ thẩm số 27/2019/KDTM ngày 23, 25, 26/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm đưa bà Lê Thị Bích Dung tham gia tố tụng với tư cách Chủ tịch HĐQT Trường Newton là không đúng với quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, thời điểm từ 3/11/2016 đến trước ngày 17/9/2019 không có quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Dung - Chủ tịch HĐQT - người đại diện theo pháp luật của Trường Newton, thể hiện ở: Biên bản họp HĐQT Trường Newton ngày 06/7/2018 (BL 1319); Văn bản gửi Chi Cục thuế quận Bắc Từ Liêm ngày 13/7/2018 (BL 397); Văn bản gửi bà Trần Kim Phương ngày 11/10/2018 (BL 775) ký đóng dấu bà Lê Thị Bích Dung là Chủ tịch HĐQT Trường Newton (BL 1319);
Ngoài ra, còn có bản tự khai của trường Newton tại TAND quận Bắc Từ Liêm ngày 20/10/2019 ký đóng dấu Q. Chủ tịch HĐQT trường Newton (BL 1076 - 1081) - thời điểm này ông Nguyễn Thanh Sơn là Chủ tich HĐQT từ ngày 17/9/2019; Đơn khởi kiện của Trường Newton không phải là Chủ tịch HĐQT - người đại diện theo pháp luật.
Luật sư Tiến đề nghị HĐXX xem xét hợp đồng ngày 23/01/2017 vô hiệu và các thủ tục thay đổi vốn góp của các cổ đông không hợp lệ.
Luật sư cho rằng, ngày 23/01/2017 bên chuyển nhượng là Trần Kim Phương người đại diện theo pháp luật Công ty TDS và bên nhận chuyển nhượng là bà Lê Thị Bích Dung chủ tịch HĐQT trường Newton đã ký:“Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục – TDS Việt nam” (BL 611- 614):
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác không có việc chào bán cổ phần cho các cổ đông trong Công ty, Nghị Quyết và biên bản họp đại hội đồng cổ đông không hợp lệ không có sự tham gia họp của các cổ đông khác (Nghiêm Thuận Ánh, Nghiêm Nhật Anh) không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Luật Doanh nghiệp; khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 20 Điều Lệ Cty TDS. Việc này, bà Dung và bà Phương biết rất rõ quy định điều lệ Cty TDS.
Ngoài ra, cổ đông Nghiêm Thuận Ánh và Nghiêm Nhật Anh không được mời họp, không được tham gia họp đại Hội đồng cổ đông là không đúng với quy định về quyền cổ đông tại điểm a, khoản khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 114 Luật doanh nghiệp, trái với quy định về việc Mời họp, thực hiện quyền dự họp, điều kiện tiến hành, thể thức tiến hành họp và hình thức biếu quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điều 37 - 41 Điều lệ; Điều 139 – 143 Luật Doanh Nghiệp.
Tiếp đó là việc thông qua quyết định và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông không hợp lệ, trái với quy định tại điều 41, 43 Điều lệ Cty TDS. Biên bản họp đại Hội đồng cổ đông không hợp lệ trái với quy định tại điều 44 Điều lệ Cty TDS.
Thông báo lập sổ đăng ký cổ đông số 01/2017 ngày 32/01/2017 nhưng có danh sách cổ đông và vốn góp khác nhau, không hợp lệ, trái với quy Điều 126. Luật doanh nghiệp “Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông”:
Bản thứ nhất do bà Trần Kim Phương - chức danh Chủ tich HĐQT và Lê Thị Bích Dung - chức danh Phó Giám đốc Cty TDS cùng ký, bao gồm 6 cổ đông: Lê Thị Bích Dung (2.030.985 cổ phần/28,57%); Bà Nguyễn Thị Minh Tín (665.500 cổ phần/11%); bà Nghiêm Thuận Ánh (665.500 cổ phần/11%); Nguyễn Thị Lan Anh (60.500 cổ phần/1%); Nghiêm Nhật Anh (1.115.015 cổ phần/18,43%); bà Trần Kim Phương (720.555 cổ phần/11,1%); Trường THCS và THPT Newton 791.945 cổ phần/ 13,9%).
Bản thứ hai do bà Lê Thị Bích Dung ký với chức danh Phó Giám đốc Cty TDS, bao gồm 6 cổ đông: Bà Lê Thị Bích Dung (2.030.985 cổ phần/ 28.57%); Bà Nguyễn Thị Minh Tín (665.500 cổ phần/11%); bà Nghiêm Thuận Ánh (665.500 cổ phần/11%); Nguyễn Thị Lan Anh (60.500 cổ phần/1%); Nghiêm Nhật Anh (1.115.015 cổ phần/18,43%); bà Trần Kim Phương (1.512.500 cổ phần/25%) (BL số 884, 885).
Theo luật sư, căn cứ kết luận các hợp đồng đã ký vô hiệu, việc bồi thường thiệt hại do lỗi của mỗi bên do cổ đông nhân danh công ty chịu. Cụ thể, lỗi vô hiệu hợp đồng chuyển nhương cổ phần ngày 23/01/2017 là hổn hợp của cổ đông Trần Kim Phương và cổ đông Lê Thị Bích Dung. Cổ đông Trần Kim Phương và cổ đông Lê Thị Bích Dung phải bồi thường thiệt hại khi có yêu cầu của Công ty TDS hoặc cổ đông khác.
Bên cạnh đó, luật sư Tiến cũng nhấn mạnh lại thông tin cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự mà ở phiên xử trước đó ngày 19/8, luật sư Nguyễn Thị Kim Ngọc đã nêu lên.
Luật sư Tiến đề nghị HĐXX, xử tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục - TDS Việt nam lập ngày 23/01/2017 vô hiệu và hủy tất cả các các văn bản khác có liên quan đến hợp đồng.
Nội dung Hợp đồng ngày 23/1/2017: Công ty TDS/bà Kim Phương và Newton/bà Bích Dung ký tiếp Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong Công ty TDS để thực hiện việc chuyển nhượng và thực hiện các nghĩa vụ, thủ tục hành chính theo hợp đồng nguyên tắc ngày 3/11/2016 và phụ lục hợp đồng số 1 ngày 19/1/2017.
Trong hợp đồng nêu rõ, bên chuyển nhượng đồng ý bán và bên nhận chuyển nhượng đồng ý mua toàn bộ cổ phần mà bên chuyển nhượng hiện nắm giữ trong TDS là 791,945 cổ phần phổ thông, chiếm 13,09% vốn điều lệ của TDS, tương ứng với 3.600m2 đất tại TH1.

Link gốc : https://m.kienthuc.net.vn/kinh-doanh/cty-tds-truong-newton-luat-su-de-nghi-vo-hieu-hop-dong-ngay-23012017-1428196.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Bạn đang đọc bài viết Tranh chấp ở trường Newton: Luật sư đề nghị vô hiệu hợp đồng ngày 23/01/2017 tại chuyên mục Nghe xem đọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Nghe xem đọc
Tin tức mới nhất